ha

Một góc hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội trong những ngày giãn cách để phòng dịch Covid-19.

>> Bài 1: Kỳ tích từ sức mạnh của ý Đảng, lòng dân

Một năm ròng rã và cam go

Ngày 23/1/2020, cũng tức là ngày 29 Tết Canh Tý, khi ký công điện đầu tiên về chống virut Corona, điều mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lo lắng nhất là người dân chủ quan trước dịch bệnh. Cả đêm Giao thừa, ông “trực” điện thoại để nghe tin tức từ các nơi báo về. Chiều mùng 3 Tết, Thủ tướng chủ trì họp Chính phủ, chính thức phát động toàn dân “chống dịch như chống giặc”.

“Chống giặc” dịch bệnh, Chính phủ bày tỏ sự biết ơn sâu sắc người dân đồng hành cùng Chính phủ, bởi thiếu đi sự đồng hành của người dân, thì Chính phủ cũng không thể nào có cơ hội để tận lực, tận tâm và có được may mắn trong cuộc chiến này” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trong cả một năm ròng rã gian khổ và cam go, người đứng đầu Chính phủ vững tin không có lý do nào để “thua” giặc dịch bệnh khi người dân đã gắn kết như thành lũy thép cùng Chính phủ chắn giặc.

Nếu như tại Nhật Bản hồi tháng 3, khi quyết định đóng cửa trường học để chống dịch, Thủ tướng Abe Shinzo phải lên truyền hình vận động người dân thông cảm và ủng hộ quyết định này của chính phủ, thì ở Việt Nam, nhiều người dân thậm chí còn xin cho con nghỉ học ngay khi có thông tin ban đầu về dịch bệnh. Phiếu thăm dò được các nhà trường phát ra để hỏi ý kiến phụ huynh về việc nên nghỉ hay không, kết quả gần như 100% ý kiến quả quyết nên nghỉ.

Tại Anh, hay tại Đức, nơi có số ca nhiễm Covid-19 đang gấp hàng nghìn lần Việt Nam, người dân phớt lờ các nhắc nhở về đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người. Còn ở Việt Nam, ngay từ đầu mùa dịch, khi mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới chỉ đưa ra lời khuyến khích về việc nên đeo khẩu trang, thì gần như toàn dân đã đều thực hiện… Như tại Hà Nội, vào lúc cuối tháng 3 khi mới xuất hiện 4 ca nhiễm, nhưng ở các con phố vẫn là sầm uất nhất, đã nhanh chóng trở nên thưa người qua lại. Người dân hạn chế ra đường, với ý thức rất cao gìn giữ cho bản thân mình, cũng chính là gìn giữ cho cộng đồng.

Mùa đại dịch lại trở thành mùa thu hoạch những điều ngọt ngào đến từ sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” của người dân, đến từ sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của toàn dân tộc; mùa củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; mùa khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Mùa hoa nở tháng 3

Cuộc họp của Bộ Chính trị tuần cuối tháng 3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quay sang nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất”. Thủ tướng khẳng định, “đã chuẩn bị sẵn sàng kể cả tình huống xấu nhất”.

Đất nước thực sự bước vào “thời chiến” với dịch bệnh khi Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành thông báo kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cùng lúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thừa lệnh Thủ tướng ký thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.

Tuần cuối cùng của tháng 3, được xác định là tuần mở màn cho cuộc tổng tấn công mùa xuân 2020 vào Covid-19 dự kiến kéo dài trong vòng 2 tuần, với việc thay vì “nín thở” chờ diễn biến, Chính phủ “thập diện mai phục”, truy cùng đuổi tận con virut này.

Chiều 22/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Cục Quân y, Bộ Quốc phòng làm việc trực tuyến với 50 điểm cầu trong toàn quân để kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ kêu gọi toàn quân, toàn dân chính thức sẵn sàng bước vào thời chiến, bằng một lời hiệu triệu rất dân giã rằng, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!” Tối cùng ngày, điện thoại của người dân đồng loạt nhận được tin nhắn của Thủ tướng nhắn nhủ, “mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh”.

Tháng 3 thực sự là mùa hoa nở, khi vừa mới ra quân, khắp mọi nẻo đường đã ghi dấu tình người trong mùa xuân. Những con số có thể thống kê được ngay ở thời điểm đó là có gần 7.000 người Việt Nam ở tâm dịch các nước được đón về nước; 700 tiếp viên hàng không, những người đang làm công việc mà nguy cơ lây nhiễm nằm trong top 3 nhưng vẫn đăng ký không nhận lương hoặc nghỉ không hưởng lương 2 đến 3 tháng; gần 300 bác sĩ, y tá về hưu tại Hà Nội đăng ký trở lại bệnh viện để góp phần phòng, chống dịch dù biết rằng mình ở trong độ tuổi nhạy cảm đối với dịch Covid- 19.

Hơn 10.000 cán bộ, chiến sỹ đã hơn một tháng nay ngủ bạt, ngủ lều để nhường chăn, gối, giường, đệm cho những người bị cách ly; tất cả các khu vực cách ly đều được cung cấp suất ăn miễn phí và bạt ngàn những cây ATM gạo, phiên chợ nhân đạo, siêu thị 0 đồng, suất cơm tình nghĩa... không thể đếm xuể bằng các con số cụ thể, góp thêm những sắc màu tươi đẹp trong bức tranh mùa hoa nở tháng 3.

Trên những con phố về đêm khi đó trở nên rất vắng ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn, những tòa nhà vẫn sáng lung linh ánh đèn kết thành lá quốc kỳ đỏ rực cùng dòng chữ “Việt Nam vui lên”, “Việt Nam chiến thắng”. Không có tình huống xấu nhất nào ập đến, kể cả khi đại dịch quay trở lại vào tháng 7. Từ tháng 3 cho đến tháng 7 và cả năm 2020, khi mà cả thế giới chao đảo vì đại dịch, Việt Nam vẫn trong những tháng ngày bình yên.

Chiến binh trong bão

Việt Nam càng sáng nổi bật trong cuộc chiến với đại dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc càng đau đáu lo cho người Việt xa xứ. Ông đưa ra các chỉ đạo tỉ mỉ trong việc đón họ trở về. Bởi Tổ quốc luôn là nơi để trở về, nhất là khi thế giới ngoài kia đầy giông tố…

Các cuộc họp của Thường trực Chính phủ trong những tháng qua, vào những thời điểm gay cấn với số người chết vì con virut này trên thế giới tăng chóng mặt mỗi ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhắc đi nhắc lại ba từ “nghĩa đồng bào” và nhiều sốt ruột về tình hình bà con phải ở nơi “tâm bão” trong khi đường trở về quê nhà xa vạn dặm.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hãng hàng không trong nước nỗ lực ở mức cao nhất. Trong hoàn cảnh dịch bệnh hoành hành dữ dội, các nước đều đóng cửa sân bay, chi phí cho mỗi chuyến bay là rất tốn kém, nhưng không được tính giá vé quá cao, tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho đồng bào hồi hương…

Thủ tướng cũng gửi thư tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó không quên nhắc các cơ quan đại diện tiếp tục nỗ lực, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, hợp tác với các cơ quan hữu quan nước sở tại, bảo đảm quyền lợi, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh cho cộng đồng người Việt Nam ở sở tại.

Từ con số 7.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài được đón về nước an toàn, con số này đến nay đã là khoảng 45 nghìn. Góp phần làm nên con số này, không thể không kể đến những “chiến binh” trong bão.

Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên của Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines chia sẻ, “chỉ đạo đầy nghĩa tình của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “không để bất cứ người dân nào bị bỏ rơi, bị đơn độc trong đại dịch Covid-19” thôi thúc chúng tôi sẵn sàng lao vào nơi hiểm nguy nhất để giúp đồng bào”.

Thực hiện chuyến bay dài nhất lịch sử trong ngành hàng không Việt Nam với 29.400km, bay từ đông bán cầu sang tây bán cầu để tới đón bà con từ các bang của Mỹ về, anh Liên, “tràn ngập niềm tự hào về Tổ quốc Việt Nam ngày càng có uy tín và tiếng vang trên toàn thế giới. Mẹ Việt Nam luôn hết lòng và trân trọng mọi người dân Việt Nam”.

Du học sinh Bảo Long và hàng trăm học viên người Việt Nam đang theo học tiếng Anh tại các trường Anh ngữ ở đảo Cebu mắc kẹt vì các hãng hàng không ở đó đều hủy chuyến. Rồi em đã được trở về trên chuyến bay có số hiệu VN9668. Ngay trên chuyến bay, Long làm thơ, “đã nhiều đêm em miên man tự hỏi/ liệu nước mình có sang đón em không? Tổ quốc mình sao mà yêu đến thế/rộng vòng tay ôm tất thảy vào lòng”.

Đoàn Trần