Chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI lớn sẽ có xu hướng giảm
Việt Nam nổi lên như một điểm sáng về thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ảnh: Lê Toàn

PV: Từ góc độ Hiệp hội doanh nghiệp FDI, ông đánh giá như thế nào về vấn đề chuyển giá trong khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam ?

Chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI lớn sẽ có xu hướng giảm

Ông Nguyễn Văn Toàn: Chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI là vấn đề không phải chỉ ở Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều chịu sức ép. Khi các tập đoàn đa quốc gia tham gia đầu tư vào nhiều nước, bao giờ họ cũng có những giao dịch liên kết. Điều này đôi khi sẽ dẫn đến việc thông qua doanh nghiệp nội khối, doanh nghiệp FDI thực hiện hành vi chuyển giá, chuyển lợi nhuận sang một quốc gia khác mà ở đó là đánh thuế thấp hoặc là mức thuế suất bằng 0 để tránh phải nộp ở những quốc gia có thuế suất cao hơn.

Tuy nhiên, việc “bắt tận tay” được doanh nghiệp có chuyển giá hay không lại là một vấn đề. Tôi đã tiếp xúc với các doanh nghiệp FDI và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý thuế và các hoạt động kinh doanh nội khối, rõ ràng họ làm theo đúng luật. Tức là doanh nghiệp có báo cáo rất rõ ràng các giao dịch nội khối. Điều khó khăn là các cơ quan quản lý nhà nước khó có thể nắm được giao dịch đó là đúng hay không, hay là giá doanh nghiệp làm ra để chuyển giá?

CẦN CƠ CHẾ ƯU ĐÃI THUẾ THU HÚT ĐẦU TƯ

Trước đây, thuế là một trong những công cụ để thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, là lợi thế so sánh của Việt Nam so với các nước. Tuy nhiên, khi tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam mất đi lợi thế công cụ thuế này. Vì vậy, cần có những cơ chế ưu đãi bù đắp phần thiệt hại do thuế tối thiểu toàn cầu gây ra, để các doanh nghiệp FDI yên tâm đầu tư vào Việt Nam và tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư mới" - ông Nguyễn Văn Toàn nhận định.

Vì vậy, OECD đã phát minh ra thuế tối thiểu toàn cầu (Việt Nam và hơn 100 quốc gia khác đã tham gia) để chống chuyển giá, chống xói mòn cơ chế đánh thuế của các quốc gia, áp dụng cho các tập đoàn kinh tế lớn có doanh thu từ 750 triệu EUR/năm trở lên. Các quốc gia tham gia thuế tối thiểu toàn cầu đều áp dụng một mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu là 15%/năm nên sẽ hạn chế được vấn đề chuyển giá.

PV: Có quan điểm cho rằng, gần như các doanh nghiệp FDI đều có hành vi chuyển giá? Ý kiến của ông thế nào về nhận định trên? Theo ông, đây có phải quan điểm phiến diện, chủ quan?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Chắc chắn là không phải như vậy. Có những doanh nghiệp FDI chấp hành rất nghiêm túc quy định về thuế tại Việt Nam. Nhưng cũng có những doanh nghiệp chấp hành không nghiêm chỉnh, có hành vi chuyển giá. Điều này đã được báo chí và cơ quan chức năng phát hiện khi có một số doanh nghiệp liên tục báo lỗ trong nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Tôi cho rằng, khi Việt Nam đã tham gia thuế tối thiểu toàn cầu thì hành vi này sẽ giảm đáng kể.

PV: Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút FDI và tham gia vào nhiều FTA, ông có dự đoán gì về xu hướng chuyển giá trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Tôi cho rằng, chắc chắn việc chuyển giá ở các tập đoàn lớn trong thời gian tới sẽ giảm hơn so với trước kia. Doanh nghiệp sẽ không có động cơ để chuyển giá khi Việt Nam tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, bởi mức thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng ở nhiều quốc gia thì chuyển giá cũng không đem lại lợi ích gì. Cùng với đó, việc ngành Thuế áp dụng các công cụ hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số, AI trong quản lý thuế cũng giúp cho hành vi này sớm bị ngăn chặn.

Tuy nhiên, cũng lại có một vấn đề. Những doanh nghiệp lớn có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, vậy còn những doanh nghiệp có doanh thu dưới 750 triệu EUR vẫn được ưu đãi và không nằm trong cơ chế thuế của thuế tối thiểu toàn cầu, thì những hoạt động đó (chuyển giá) họ vẫn có thể làm. Do đó, vẫn phải tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu kê khai những hoạt động trong các doanh nghiệp liên kết và các doanh nghiệp trong nội khối, công ty mẹ, công ty con để ngăn chặn hành vi chuyển giá.

PV: Theo ông, Việt Nam cần làm gì để có thể kiểm soát tốt hơn tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp mà không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Rõ ràng chính sách phải minh bạch, phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào Việt Nam đang được thưởng ưu đãi thuế theo cam kết của Chính phủ và ưu đãi đó còn kéo dài rất nhiều năm, nhưng vì Việt Nam tham gia thuế tối thiểu toàn cầu thì theo luật chơi chung, họ phải đóng mức thuế tối thiểu là 15%. Vì vậy, Chính phủ phải có ưu đãi, hỗ trợ ngược trở lại cho doanh nghiệp để đảm bảo họ vẫn được hưởng các ưu đãi đầu tư. Có rất nhiều cách hỗ trợ mà Việt Nam có thể tham khảo và thực hiện. Giải pháp ở nhiều quốc gia khác đã làm là hỗ trợ thẳng bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, các hình thức hỗ trợ khác là hỗ trợ các doanh nghiệp về các vấn đề ví dụ như đào tạo lao động, làm hạ tầng, giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiện nay, Chính phủ cũng đã có một tổ công tác để hỗ trợ trực tiếp với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Việt Nam đã thành lập một quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Quỹ sẽ tập trung hỗ trợ những tập đoàn kinh tế làm các trung tâm phát triển công nghệ hoặc là trung tâm nghiên cứu phát triển, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ các doanh nghiệpcủa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị với các doanh nghiệp FDI.

Tôi rất ủng hộ chính sách này, bởi Chính phủ thu tiền đó không phải để làm cái khác mà hỗ trợ lại cho doanh nghiệp, dùng tiền đó để xây dựng hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đối với các doanh nghiệp FDI.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngành Thuế đủ năng lực theo kịp quy định quốc tế về chuyển giá

Theo ông Vũ Ngọc Thắng - Công ty Luật Luther Law firm tại Việt Nam, cơ quan thuế Việt Nam khá nghiêm khắc trong việc xác định giá chuyển nhượng trong thanh, kiểm tra chuyển giá khi doanh nghiệp phát sinh rất nhiều giao dịch nội bộ với công ty mẹ hoặc công ty thành viên nhưng lại báo lỗ nhiều, nhất là khi các công ty mẹ hoặc công ty thành viên nằm trong những “thiên đường thuế” như Ireland, UAE.

Để phòng tránh chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thông qua hình thức chuyển giá, cơ quan thuế đã có đủ nguồn lực và năng lực theo kịp các quy định của quốc tế. Cơ quan thuế có thể theo dõi và giám sát các hoạt động mà họ nghi ngờ chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI.

Ông Thắng cho rằng, cơ quan thuế Việt Nam đang có chính sách phù hợp với việc xác định giá chuyển nhượng. Điều này được quy định rất rõ ràng và hướng dẫn kỹ trong Điều 16, Nghị định 132/2020/NĐ-CP, không hề không rõ ràng như một số doanh nghiệp kêu ca.

“Có thể khẳng định, luật của Việt Nam hiện có những bước tiến đáng kể, phù hợp với tiêu chuẩn luật pháp của Việt Nam và tiêu chuẩn luật pháp quốc tế. Thực tế khi tôi tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp làm tư vấn thuế ở các quốc gia khác như Malaysia, Singapore, Đức, họ cho biết, cơ quan thuế ở các quốc gia này cũng đều áp dụng các tiêu chí đó trong việc xác định giao dịch nội bộ tập đoàn có phù hợp với thực tế hay không và có được cơ quan thuế chấp nhận hay không” - ông Thắng nhấn mạnh.