Bài 1: Quyết liệt, khẩn trương nhưng không vội vàng, hình thức
Bài 2: Sẵn sàng hành động đáp ứng những yêu cầu từ thực tiễn

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XV xác định đổi mới hoạt động giám sát là trọng tâm, then chốt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung, vì liên quan trực tiếp, tác động tích cực đến công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Kỳ họp thứ 6 tiếp tục thể hiện rõ tinh thần đó.

25 thành viên Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội

Tại kỳ họp này, Quốc hội lần đầu tiên không chất vấn theo nhóm vấn đề mà chất vấn về việc thực hiện 10 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn, gồm 4 lĩnh vực: kinh tế tổng hợp - vĩ mô; kinh tế ngành; văn hóa, xã hội; tư pháp, nội chính, kiểm toán nhà nước.

Như vậy, tất cả thành viên Chính phủ đều có thể phải “ngồi ghế nóng”, sẵn sàng trực tiếp trả lời về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình, trước sự theo dõi của cử tri và nhân dân qua sóng phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Bài 3: Đổi mới hoạt động giám sát là khâu trọng tâm, then chốt
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các phó thủ tướng chính phủ và 21 vị bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Nhiều tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực đều đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra, yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành giải trình, làm rõ trách nhiệm, đưa ra những giải pháp, cam kết thực hiện trong thời gian tới.

Qua đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, các nhiệm vụ cụ thể phải tập trung thực hiện trong từng lĩnh vực để khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến tạo sự phát triển mới.

Trong Kỳ họp thứ 6, một hoạt động thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội cũng như đông đảo cử tri, nhân dân là việc Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Đây là lần lấy phiếu tín nhiệm thứ 4, song là lần đầu tiên thực hiện theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, ngày 23/6/2023, với nhiều đổi mới, như tiêu chí đánh giá được cụ thể hóa, từ kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao đến phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống,…

Theo đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, thời gian qua, cử tri rất hài lòng với nội dung mà Quốc hội đã lựa chọn chất vấn, giám sát chuyên đề đều là những vấn đề nóng, vấn đề nổi lên, có tầm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Lần này, việc tổ chức chất vấn những vấn đề lớn tại một phiên họp giữa nhiệm kỳ sẽ gây áp lực cho các thành viên Chính phủ vì là trả lời cho tất cả các vấn đề chứ không phải riêng một vấn đề nào. Đây cũng là một dịp đánh giá năng lực, khả năng điều hành của Chính phủ. Qua đó, các thành viên Chính phủ sẽ có nhìn nhận nghiêm túc quá trình triển khai vừa qua để tổ chức triển khai thực hiện yêu cầu trong thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ, đặc biệt là kế hoạch thực hiện 5 năm.

“Một nhiệm kỳ chỉ chất vấn một lần giữa nhiệm kỳ nhưng cách làm của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua rất hiệu quả, chứng minh sự đồng hành của Quốc hội và Chính phủ tháo gỡ những khó khăn trong thực thi pháp luật” - đại biểu nói.

Thực tế, việc tổ chức giám sát của Quốc hội không chỉ chờ đến giữa nhiệm kỳ mà theo tinh thần nhiệm kỳ khoá XV, các cơ quan của Quốc hội phải tổ chức giám sát theo chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực của mình thường xuyên hàng năm để làm sao có giải pháp kịp thời, giúp cho các thành viên Chính phủ nhìn nhận lại một cách nhanh nhất, tránh tình trạng bị động.

Bài 3: Đổi mới hoạt động giám sát là khâu trọng tâm, then chốt
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6. Ảnh: Quochoi.vn

Giám sát để gỡ vướng ngay trong quá trình thực hiện

Một đổi mới nữa trong hoạt động giám sát của kỳ họp này là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, ngay trong giai đoạn các chương trình bắt đầu triển khai thực hiện.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng lần đầu tiên xem xét kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15.

Giám sát văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan của Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách, nhưng đây là lần đầu tiên có cuộc tổng rà soát mà cả Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thành lập tổ công tác. Tổ công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng và Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm tổ trưởng, để tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống pháp luật và đưa nội dung này ra thảo luận công khai tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Qua giám sát, Quốc hội đánh giá việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã kế thừa, phát huy những thành tựu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của giai đoạn trước. Đến nay, công tác tổ chức thực hiện các chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định, bám sát mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ… trong các nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Quốc hội cũng chỉ ra các tồn tại, hạn chế, đang làm điểm nghẽn trong việc triển khai các chương trình như: ban hành văn bản hướng dẫn chậm; xác định nhu cầu, lập kế hoạch, phân bổ vốn chưa sát thực tế; chương trình về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai chậm, còn lúng túng. Còn tình trạng cát cứ, phân tán, manh mún trong tổ chức thực hiện các chương trình.

Bài 3: Đổi mới hoạt động giám sát là khâu trọng tâm, then chốt

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi bên lề phiên chất vấn ngày 8/11. Ảnh: Quochoi.vn

Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, Quốc hội đã cho phép kéo dài thời hạn giải ngân số vốn các năm 2021, 2022 sang năm 2024. Đặc biệt, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong đó, có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước; xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán…

Như vậy, Quốc hội thực hiện giám sát không phải chỉ chờ việc đã xong, đã hoàn thành mới đánh giá, giám sát mà thực hiện trong quá trình điều hành, tổ chức thực hiện, để cùng với Chính phủ nhận diện những bất cập khi triển khai, từ đó kịp thời đề ra giải pháp tạo chuyển biến tốt hơn. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ba chương trình này, ngay khi đặt vấn đề giám sát đã có chuyển biến, đến khi tiến hành giám sát thì tạo chuyển biến lớn, khi Quốc hội cùng với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai.

Có thể thấy, quá trình đổi mới và phát triển của Quốc hội Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ qua và càng rõ rệt hơn ở Kỳ họp thứ 6 là một bước tiến dài, thể hiện trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cơ quan quyền lực cao nhất trong việc đưa đất nước phát triển, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra để không ngừng nâng cao tiềm lực của đất nước, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.

Quốc hội sẽ tiếp tục tìm tòi đổi mới phương thức hoạt động Chủ tịch Quốc hội: Theo dõi đến cùng các vấn đề đã giám sát, chất vấn