Ảnh minh họa

Hướng đi nào cho doanh thu báo chí Việt Nam trong tương lai vẫn là một bài toán khó giải đòi hỏi thay đổi trong từng toà soạn cho đến sự hỗ trợ vĩ mô của nhà nước.

Bài toán phát triển nguồn thu

Báo chí giật gân, câu khách không còn là một hiện tượng lạ lẫm với độc giả Việt Nam. Cách đây hơn 1 thập niên, người đọc ngả mũ thán phục khi click vào một tờ báo điện tử X là những tuyến bài điều tra độc đáo hoặc những bài bình luận sắc nhọn, thì nay, ngập tràn trang chủ là kiểu giật tít “choáng váng”, “sốc” “bí mật bất ngờ” và những tin tức được đọc nhiều nhất là đời tư của một cô người mẫu, diễn viên hoặc anh cầu thủ. Phóng viên của tờ báo này cho biết, tin bài được chấm nhuận bút theo lượng truy cập; hiệu quả của biên tập viên được đánh giá dựa vào tham số của Google Anlytics nên câu views đã trở thành câu thần chú của nhiều nhà báo trong tác nghiệp.

Ảnh minh họa

Nhiều website tin tức hoặc phiên bản điện tử của các tờ báo in Việt Nam cũng đi theo công thức ban đầu họ sẽ dùng một số loại nội dung gây sốc để thu hút độc giả, nhờ đó lượng truy cập tăng vọt. Nội dung đó không chỉ là đời tư sốc, sex, sến mà còn là nỗi đau khổ tột cùng của nạn nhân những vụ thảm sát hay một người nổi tiếng mắc bệnh nan y hiểm nghèo. “Nỗi đau được lấy ra như một phương tiện giúp tăng lượng truy cập” - một độc giả đã chua chát bình luận về cách đưa tin theo kiểu gí sát máy quay hoặc máy ảnh những khuôn mặt nức nở trong đám ma của nhiều tờ báo hiện nay.

Một chuyên gia báo chí cảnh báo báo chí “sốc sex sến” ở Việt Nam đang phản ánh tình trạng bế tắc của kinh tế báo chí, đặc biệt với những tờ báo tự chủ về tài chính, không còn được ưu ái về cơ sở vật chất... Nếu chỉ đi bằng nội dung chính thống thì lượt người đọc sụt giảm, như vậy, doanh thu quảng cáo cũng giảm sút vì đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay coi số liệu truy cập là tiêu chí đánh giá hiệu quả của tờ báo. Bên cạnh đó, báo điện tử còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng Google hay Facebook trong việc thu hút độc giả lẫn doanh thu quảng cáo. Chính vì thế, cuộc đua “xuống đáy” theo con đường “sốc sex sến” vẫn chưa hạ nhiệt mặc dù các cơ quan quản lý báo chí đã vào cuộc quyết liệt.

Tại Diễn đàn “Báo chí và Bài toán phát triển nguồn thu”, tổ chức ngày 11/6 mới đây, ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Đại dịch Covid-19 khiến các cơ quan báo chí giảm nguồn thu trầm trọng từ 30 - 50%, thậm chí có nơi giảm tới 60%. Nhiều nơi không có tiền để trả lương, trả nhuận bút cho phóng viên. Từ khó khăn đó đã nảy sinh các vấn đề tiêu cực như: hoạt động vi phạm luật báo chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm suy giảm uy tín của báo chí với xã hội, đánh vào lòng tự trọng của báo chí. Đây là điều rất đau lòng”. Nhiều giải pháp được đưa ra như kiến nghị thu phí đọc báo điện tử giống mô hình của những tờ báo thành công nhất thế giới như The New York Times hay Washington Post đang thực hiện. Tuy nhiên việc thu tiền từ bạn đọc trực tuyến tại Việt Nam hiện nay rất khó.

Kinh nghiệm từ những tờ báo lớn

Trong lúc các toà soạn Việt Nam còn đang loay hoay tìm hướng đi cho bài toán thu phí như thế nào, thì hãy cùng xem con đường thành công của một số tờ báo hàng đầu thế giới. Năm 2011, tờ The New York Times (Hoa Kỳ) nổ phát súng đầu tiên cho một cuộc cách mạng: Họ dựng tường thu phí của độc giả. Cho đến nay, tờ này đã có hơn 6 triệu độc giả trả tiền mua nội dung đem lại doanh thu hơn 800 triệu USD trong năm 2019, vượt xa tất cả doanh của của các đối thủ sừng sỏ nhất như Washington Post, Wall Street Journals, Buzz Feed… cộng lại. Tờ báo có 1.700 phóng viên với mức lương 107.000 USD/năm, cao hơn mức lương trung bình của một giáo sư đại học. Chiến lược xuyên suốt trong hơn một thế kỷ tồn tại của NYT là đầu tư cho “thứ báo chí tốt nhất”. Đó là những tuyến bài điều tra chấn động thay đổi lịch sử; những bài bình luận sắc nhọn hoặc loạt nội dung phân tích minh triết chạm đến gốc rễ của vấn đề; những chỉ dẫn hữu ích và sinh động giúp độc giả đưa ra những quyết định thông minh cải tiến cuộc sống trở nên tốt đẹp. NYT là một trong những tờ báo hiếm hoi có đội ngũ phóng viên ngoài khả năng chụp ảnh, quay phim, viết bài còn có thể viết code dựng đồ hoạ nhằm đem lại cho người đọc câu trả lời dễ hiểu nhất cho các vấn đề phức tạp. NYT còn sở hữu những phóng viên ảnh như Josh Haner – tốt nghiệp khoa máy tính ĐH danh tiếng

Ảnh minh họa

Stanford đạt giải thưởng Pulitzer cho bộ ảnh về nạn nhân vụ khủng bố Boston Marathon hay Charles Duhigg tốt nghiệp ĐH Harvard với nhiều cuốn sách bán chạy nhất lịch sử... Đội ngũ sản xuất nội dung của NYT là những chuyên gia nổi tiếng trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội học, y tế cho đến chính trị, triết học và họ có thể được dành cả năm theo đuổi một đề tài nếu câu chuyện đó thực sự gây chấn động và đem lại sự thay đổi.

Nhật báo phố Wall – một tờ báo kinh tế nổi tiếng trong giới đầu tư toàn cầu cũng xác định chiến lược “nội dung là vua” nhằm thu hút độc giả. Ngoài tin tức thông thường, Nhật báo phố Wall tăng cường nội dung về ngân hàng trung ương, đời sống kinh doanh, kinh tế số, năng lượng, và một số ngành chủ chốt có sự tham gia của chính phủ. “Chúng tôi cho rằng đây là sẽ những lĩnh vực tạo sự khác biệt cho tờ báo” - ông Adam Horvath - Trưởng ban Thế giới chia sẻ. Không chỉ đề cao yếu tố nhanh, cập nhật liên tục, những bài báo của Nhật báo Phố Wall trở nên khác biệt nhờ các yếu tố công nghệ phụ trợ như video, đồ hoạ, intertractive, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… Gerard Baker - Tổng Biên tập tờ Nhật báo Phố Wall luôn coi việc đầu tư vào những yếu tố công nghệ chính là nhân tố quyết định cho tăng trưởng lượng độc giả. Cũng chính vị Tổng Biên tập này nhấn mạnh trên Facebook của báo: “Những giá trị khách quan, sâu sắc, đáng tin cậy của tin tức chưa bao giờ chết. Vì thế giới này vẫn những tờ báo tự do, mạnh mẽ và tiến bộ - ở bất cứ một phiên bản nào: báo in hay điện tử”.

Đó cũng chính là lời giải cho bài toán muốn thu phí độc giả: Hãy đầu tư để tạo ra thứ báo chí chất lượng nhất. Các cơ quan báo chí cũng phải chuyển động, đổi mới, thậm chí phải lột xác thì mới tồn tại được.

Trung Ninh