Bảo vệ môi trường - những thách thức của sự phát triển

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công tác BVMT.

Trên tinh thần đó, Luật BVMT 2014 ra đời đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác BVMT trong hơn 5 năm qua, đóng góp quan trọng cho các thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, được nhân dân ghi nhận, bạn bè quốc tế đánh giá cao, coi đây như một mô hình phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Môi trường cho hay, tình hình đất nước và trên thế giới hiện nay đã có những biến đổi sâu rộng, nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Từ những vấn đề, thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống và để đáp ứng yêu cầu hội nhập trong thời kỳ mới đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật BVMT.

Bảo vệ tài nguyên môi trường - một trong ba trụ cột phát triển kinh tế, xã hội
Bảo vệ tài nguyên môi trường- một trong ba trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hải Anh

Cụ thể, nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, BVMT đã được ban hành cùng với nhiều cam kết quốc tế có liên quan đến môi trường đã được Việt Nam tham gia (hiệp định CPTPP, EVFTA, v.v.) đặt ra yêu cầu cần sớm được thể chế hóa để tạo hành lang pháp lý triển khai thực hiện.

Hơn nữa, thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển vượt bậc về trình độ khoa học và công nghệ, góp phần định hình các mô hình tăng trưởng mới; mở ra nhiều cơ hội cho việc thay đổi phương thức quản lý môi trường theo hướng hiện đại hơn, thích ứng với những thay đổi nhanh của thực tiễn cuộc sống.

Đặc biệt thách thức là quan hệ hợp tác quốc tế trên thế giới cũng đang có những thay đổi sâu sắc. Sự cọ xát và cạnh tranh chiến lược, điều chỉnh chiến lược, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, quyết liệt và có tác động sâu rộng; các vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng.

Trong đó, cạn kiệt tài nguyên, nhất là năng lượng và nguồn nước đang là vấn đề nổi trội, tác động tới an ninh và phát triển của nhiều nước, nhiều khu vực. Nhu cầu về tài nguyên của các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế của các nước đang phát triển sẽ tăng vọt dẫn tới việc cạnh tranh các nguồn tài nguyên vốn đã gay gắt sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải sớm có những thay đổi về chính sách BVMT để thích ứng.

Đại diện Tổng cục Môi trường chia sẻ thêm, mặc dù đã đạt những thành tựu đáng khích lệ nhưng môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải.

Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng tại các lưu vực sông, làng nghề và đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị, thành phố lớn. Điều đó đòi hỏi cần có sự bổ sung, hoàn thành các quy định, công cụ pháp lý để kiểm soát, quản lý có hiệu quả chất lượng các thành phần môi trường, tiệm cận với quy định pháp lý của các nước trên thế giới, bảo đảm người dân Việt Nam phải được sống trong môi trường trong lành.

Nhiều điểm mới đột phá trong tư duy về bảo vệ môi trường

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật BVMT trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bối cảnh quốc tế đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Đại diện Tổng cục Môi trường cho hay, mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Luật BVMT năm 2020 nêu cao tinh thần phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động BVMT, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện, trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo pháp luật, cơ chế, chính sách về BVMT.

Luật với nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 1 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.

Luật cũng đã thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội.

Một số điểm mới của Luật như cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT. Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.

Điểm mới nữa của Luật BVMT 2020 là cắt giảm thủ tục hành chính; định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước. Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương.

Theo Tổng cục Môi trường, để bảo đảm thi hành Luật BVMT 2020 có hiệu quả, thời gian tới, đơn vị tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến Luật BVMT; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật. Đồng thời, cần tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật đến các bộ, ngành, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và nhân dân với nội dung, hình thức phù hợp nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống.