Chính sách tiền tệ đối mặt thách thức lớn khi giá dầu tăng cao

Tuy Israel không phải là một nhà sản xuất dầu lớn, nhưng vị trí địa chính trị và khả năng leo thang của xung đột đã khiến nước này trở thành tâm điểm của sự quan tâm trên thị trường dầu mỏ.

Cuộc xung đột Israel – Hamas gần đây đã đẩy giá dầu lên mức tăng đáng kể. Giá dầu đã tăng 4% ngay sau vụ tấn công của Hamas vào Israel.

Cuộc chiến không chỉ làm tăng giá dầu do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung, mà còn làm tăng thêm mối lo về các sự kiện địa chính trị ảnh hưởng các chỉ số kinh tế toàn cầu.

Phân tích biến động của giá xăng dầu do cuộc xung đột này gây ra ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao, TS. Bùi Duy Tùng - giảng viên kinh tế (Đại học RMIT) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn một khi giá dầu toàn cầu tăng vọt nếu xung đột giữa Hamas và Israel tiếp tục leo thang.

Biến động giá xăng dầu sẽ làm tăng áp lực lên lạm phát
Áp lực lên lạm phát cơ bản tăng do biến động của giá xăng dầu. Ảnh minh họa

Theo vị chuyên gia này, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, giảm 150 điểm cơ bản lãi suất chính sách từ tháng 3 đến tháng 6 nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 6,9% vào tháng 9, cho thấy những kết quả mong đợi vẫn chưa thực sự đạt được.

Về tỷ lệ lạm phát, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát chung, giảm từ 4,9% so với cùng kỳ vào tháng 1/2023 xuống còn 2,1% so với cùng kỳ vào tháng 7/2023, tuy nhiên, lạm phát cơ bản lại chỉ giảm tốc độ từ 5,2% xuống 4,1% trong cùng khoảng thời gian. Điều này cho thấy áp lực lạm phát cơ bản vẫn còn là một mối lo đáng kể. Vấn đề này đặt ra một câu hỏi lớn: liệu Ngân hàng Nhà nước có cần phải điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình để đối phó với các cú sốc mới hay không?

Tăng giá dầu do cuộc xung đột Israel – Hamas đang làm phức tạp thêm tình thế mà Ngân hàng Nhà nước phải đối mặt. Giá dầu cao không chỉ ảnh hưởng đến giá cả vận tải hàng hóa mà còn lan tỏa đến các mặt hàng khác, như giá lương thực, từ đó tăng áp lực lên lạm phát. Đối với Việt Nam, một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, tình hình càng trở nên khó khăn.

Xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá dầu

Trong bối cảnh thách thức lớn từ biến động giá xăng dầu do cuộc chiến gây ra, theo chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước cần phải cân nhắc giữa việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và việc duy trì tăng trưởng kinh tế.

Biến động giá xăng dầu sẽ làm tăng áp lực lên lạm phát
Một trong những giải pháp có thể được xem xét là việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá dầu. Ảnh minh họa

Đề xuất giải pháp ứng phó với tác động tiêu cực của biến động giá xăng dầu lên kinh tế Việt Nam, vị chuyên gia của Đại học RMIT cho rằng, một trong những giải pháp có thể được xem xét là việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá dầu từ 10 ngày xuống còn 5 ngày.

“Điều này sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng ứng phó với những biến động toàn cầu. Độ trễ hiện tại theo quy định là 10 ngày có thể làm tăng áp lực lạm phát trong thời kỳ giá dầu toàn cầu tăng cao. Theo quy định hiện hành, giá xăng dầu trong nước không thay đổi trong 10 ngày, bất chấp biến động của thị trường thế giới” - TS. Bùi Duy Tùng đề xuất.

Theo TS. Tùng, nếu giá dầu toàn cầu tăng vọt do một sự kiện như cuộc chiến Israel – Hamas, người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu mức giá cao trong một thời gian trước khi có sự can thiệp từ Chính phủ diễn ra. Điều này có thể có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, làm tăng chi phí vận chuyển, hàng hóa và dịch vụ, từ đó thúc đẩy lạm phát.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo cho Việt Nam về nguy cơ biến động tỷ giá hối đoái, đặc biệt khi lãi suất đã được điều chỉnh xuống. Khi giá dầu tăng, nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu dầu cũng tăng theo, có thể đẩy giá trị của đồng Việt Nam xuống. Một đồng tiền yếu hơn có thể tạo ra tác động truyền dẫn đến lạm phát, khi giá của các mặt hàng nhập khẩu, bao gồm dầu, tăng tính theo đồng nội tệ.

“Sự mất giá của đồng tiền có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh này, Việt Nam có thể phải đối mặt với một loạt các quyết định khó khăn về chính sách tiền tệ và quản lý tỷ giá hối đoái để đảm bảo ổn định kinh tế” - TS. Bùi Duy Tùng nhấn mạnh.