Bình Dương: Phát hiện hơn 2.500 trường hợp hồ sơ cầm cố ký gửi quá hạn thanh toán nợ tại F88
Qua kiểm tra, Công an tỉnh Bình Dương phát hiện nhiều vi phạm tại hệ thống F88. Ảnh: TL

Ngày 4/5 theo thông tin từ Công an tỉnh Bình Dương, đơn vị này vừa đồng loạt ra quân, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại chi nhánh và các điểm giao dịch của Công ty cổ phần Kinh doanh F88 trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bình Dương.

Qua công tác kiểm tra hành chính đối với 21/24 địa điểm kinh doanh của Công ty cổ phần Kinh doanh F88 trên địa bàn toàn tỉnh, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vi phạm trên các lĩnh vực về an ninh trật tự, kinh tế, phòng cháy chữa cháy.

Công an tỉnh Bình Dương xác định, đối với các giao dịch ký gửi tài sản và vay cầm cố tài sản, Công ty cổ phần kinh doanh F88 đưa ra các hợp đồng ký gửi tài sản và vay cầm cố tài sản thể hiện mức lãi suất, các loại phí, việc thỏa thuận thuê mượn lại tài sản cầm cố… và nhiều điều khoản khác trong hợp đồng là không minh bạch, có dấu hiệu vi phạm “Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự”…

Tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê đã có hơn 2.500 trường hợp hồ sơ cầm cố ký gửi quá hạn thanh toán nợ, trong đó 561 hồ sơ cầm cố ký gửi quá hạn thanh toán nợ trên 90 ngày. Công an tỉnh Bình Dương đang tiếp tục làm việc với Công ty cổ phần Kinh doanh F88 để làm rõ các vi phạm trên.

Qua đó, Công an tỉnh Bình Dương cũng khuyến cáo người dân, khi có nhu cầu vay vốn cần phải tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động. Khi vay cần tìm hiểu thật kỹ các nội dung như: hợp đồng cho vay, lãi suất vay, các loại phí, hợp đồng phụ, phí phạt khi chậm trả lãi… Tuyệt đối không vay tiền của các cá nhân, tổ chức tín dụng không uy tín, không hợp pháp.

Ngoài ra, người dân không vay tiền qua các ứng dụng hoạt động trái phép trên không gian mạng để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc phát sinh những vấn đề khác có liên quan. Tuyệt đối không cung cấp thông tin, hình ảnh của cá nhân, người thân, bạn bè, cơ quan cho người lạ.

Đồng thời, người vay cần chủ động tìm hiểu, nhận biết các phương thức thủ đoạn của hoạt động “tín dụng đen” được các cơ quan nhà nước đăng tải, tuyên truyền trên báo đài, cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội… để nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh vướng vào các bẫy “tín dụng đen” của các đối tượng.

Công an tỉnh Bình Dương cũng kêu gọi người dân trên địa bàn đã và đang bị các hành vi quấy rối, đe dọa, khủng bố tinh thần nhằm mục đích thu hồi nợ từ nhân viên của các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty mua bán nợ, công ty thu hồi nợ “núp bóng” dưới hình thức hoạt động là các công ty luật, cơ sở kinh doanh cầm đồ, hãy gửi đơn tố giác tội phạm hoặc liên hệ trực tiếp Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương.