Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 19/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) chi thường xuyên (nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài) năm 2025.

Bổ sung hơn 4.327 tỷ đồng tổng dự toán chi thường xuyên năm 2025

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình tại Quốc hội

Theo tờ trình, Chính phủ cho biết tổng nhu cầu bổ sung dự toán NSNN chi thường xuyên (nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài) năm 2025 cho các cơ quan vói số vốn là 4.327,121 tỷ đồng.

Trong đó, theo kết luận của Đoàn Kiểm toán Nhà nước về quyết toán NSNN năm 2022, số vốn viện trợ không hoàn lại (bằng hàng, bằng tiền) Bộ Y tế đã tiếp nhận nhưng chưa có dự toán là 4.096 tỷ đồng. Bộ Y tế đã chuẩn xác số liệu về nhu cầu bổ sung dự toán là 4.080,65 tỷ đồng để quyết toán hàng viện trợ cho phòng chống dịch Covid-19. Do đó, Bộ Y tế kiến nghị trình Quốc hội xem xét bổ sung dự toán cho Bộ Y tế số vốn là 4.080,65 tỷ đồng.

Số còn lại là các khoản bổ sung dự toán NSNN chi thường xuyên vốn viện trợ của các bộ, địa phương khác, do phát sinh các dự án viện trợ mới sau thời điểm tổng hợp trình các cấp thẩm quyền về dự toán NSNN năm 2025.

Theo quy định tại Điều 52 Luật Ngân sách nhà nước, việc quyết định bổ sung dự toán cho các Bộ, cơ quan Trung ương và bổ sung có mục tiêu cho các địa phương từ ngân sách trung ương thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế và Tài chính thống nhất với việc bổ sung dự toán thu ngân sách trung ương năm 2025 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài là 4.327,121 tỷ đồng và bổ sung tương ứng dự toán chi thường xuyên năm 2025 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 4.327,121 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương như đề xuất tại Tờ trình.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, vê nội dung đề xuất, bảo đảm việc bổ sung dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương đủ thủ tục, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện bổ sung dự toán, giao dự toán nguồn vốn viện trợ của nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực./.