Chiều 17/5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Phân cấp mạnh mẽ, thủ tục thông thoáng

Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, việc xây dựng dự ánm một luật sửa 7 luật bắt nguồn từ yêu cầu thể chế hoá Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST&CĐS) và các kết luận của Ban chỉ đạo Trung ương về triển khai Nghị quyết 57.

Dù đấu thầu hay chỉ định thầu, quan trọng là khách quan, minh bạch

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại tổ chiều 17/5.

Qua rà soát các văn bản pháp luật, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học, công nghệ chủ trì sửa các nội dung về khoa học công nghệ. Ở các nội dung liên quan đến tài chính cho khoa học công nghệ, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì.

Trong quá trình rà soát luật, cơ quan soạn thảo nhận thấy rất nhiều nội dung đang vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị không chỉ điều chỉnh, bổ sung các vấn đề về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mà cả những vấn đề vướng mắc lâu nay.

"Dù vậy, do thời gian triển khai thực hiện rất gấp, từ sau 1/4/2025 khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực thì Chính phủ mới có thể trình các luật này theo thủ tục rút gọn. Do đó, không có đủ thời gian nghiên cứu và sửa toàn diện, triệt để hết toàn bộ những vấn đề bất cập mà chỉ lựa chọn những vấn đề cấp bách, cần tháo gỡ ngay", Bộ trưởng cho hay.

Với tinh thần như vậy, Luật này tập trung vào 3 vấn đề lớn. Một là các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ bất cập cho phát triển KHCN, ĐMST&CĐS. Hai là phân cấp phân quyền, thể hiện rõ nét các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ.

“Lần này chúng tôi tập trung rất nhiều vào việc phân cấp, phân quyền để tạo sự thông thoáng, theo đúng mục tiêu là địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về nội dung này, một số đại biểu nhận xét, việc phân cấp rộng quá, băn khoăn địa phương sẽ thực hiện thế nào. Đúng như đại biểu nhận xét, Bộ trưởng cho biết dự thảo Luật phân cấp rất mạnh từ tất cả các cấp, từ Thủ tướng xuống bộ, ngành và đặc biệt là cho UBND các tỉnh; tiếp đó là từ bộ, ngành xuống UBND các tỉnh ở rất nhiều các nội dung liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật PPP, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công…

Nội dung thứ ba là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo yêu cầu của Chính phủ, khi sửa đổi, bổ sung đều phải có đánh giá tác động về việc cắt giảm thủ tục hành chính. Dự thảo theo đó đã cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, đấu thầu, quản lý tài sản công…

Bên cạnh những nội dung trọng tâm này, dự thảo cũng đã có nhiều quy định rất mở và đột phá. Chẳng hạn, tại Luật Đấu thầu, dự thảo thu hẹp đối tượng áp dụng, cho phép các doanh nghiệp nhà nước (không phân biệt nguồn vốn sử dụng) và đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 không sử dụng ngân sách nhà nước được phép quyết định chỉ định thầu hay đấu thầu rộng rãi, Nhà nước không can thiệp. Các hoạt động mua sắm, thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cũng được quy định thông thoáng, linh hoạt hơn.

Đi cùng với các quy định thông thoáng, phân cấp mạnh mẽ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ, ngành là phải có cơ chế kiểm tra, giám sát. Tất nhiên, trong quá trình triển khai cũng không thể cầu toàn, nếu có vấn đề gì thì tiếp tục điều chỉnh. Điều quan trọng, theo Bộ trưởng là xây dựng hành lang thông thoáng để thực hiện. Còn trong quá trình làm, ai vì lợi ích cá nhân, ai vi phạm thì phải chịu trách nhiệm.

Dù đấu thầu hay chỉ định thầu, quan trọng là khách quan, minh bạch
Đi cùng với phân cấp mạnh mẽ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh phải có cơ chế kiểm tra, giám sát.

Trao quyền cho chủ đầu tư quyết định hình thức chọn nhà thầu

Trong các nội dung được quy định theo hướng mở hơn, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc sẽ trao nhiều quyền tự chủ hơn cho chủ đầu tư được quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu. Thực tế, đây là vướng mắc lớn ở một số dự án thời gian qua.

Có dự án, Bộ trưởng nêu ví dụ, quy mô lớn thuộc thẩm quyền Quốc hội, phải vận động doanh nghiệp tham gia hỗ trợ lúc ngân sách khó khăn. Dự án được tính toán, thiết kế để phù hợp cho nhà đầu tư tham gia. Thế nhưng khi đã được thông qua, vẫn phải thực hiện “động tác thừa” là đấu thầu rộng rãi, khiến thời gian kéo dài thêm cả năm.

Việc buộc phải đấu thầu rộng rãi theo quy định không những không giúp chọn được nhà thầu tốt hơn, mà còn gây cản trở, mất thời gian, tốn kém. Rất nhiều trường hợp qua đấu thầu nhưng dự án vẫn chậm tiến độ, vẫn sai phạm, phải xử lý.

“Dù chỉ định thầu hay đấu thầu thì vấn đề ở chỗ là chúng ta có khách quan, có minh bạch và có vì lợi ích chung hay không”, Bộ trưởng khẳng định.

Vì thế, quan điểm của Bộ trưởng là giao tiền cho địa phương, bộ, ngành và để cho những người được giao vốn quyết định lựa chọn theo các quy định của pháp luật. Họ có thể quyết định chỉ định thầu hoặc đấu thầu rộng rãi nhưng phải đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm cho Nhà nước.

Liên quan đến dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, dự thảo cũng có nhiều nội dung mới, vừa để triển khai Nghị quyết 57, vừa để đáp ứng kịp thời việc thay đổi địa giới hành chính, sáp nhập các tỉnh và mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Trong dự thảo cũng có nhiều điểm đột phá liên quan đến phân cấp, phân quyền. Cùng với chủ trương chung là đẩy mạnh phân cấp phân quyền, lĩnh vực tài chính ngân sách cũng tiếp tục có những đổi mới để phân cấp phân quyền thông suốt từ cấp trên xuống các cấp dưới.

Đơn cử như dự thảo đề xuất phân cấp chi ngân sách bao gồm tổng chi, trong đó có chi đầu tư và chi thường xuyên. Theo quy định hiện nay, Quốc hội quyết định tổng chi, trong đó có chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên theo ngành, lĩnh vực. Chính phủ đề nghị Quốc hội sẽ quyết định tổng chi, cơ cấu của chi đầu tư và cơ cấu của chi thường xuyên. Còn lại phân cấp cho Chính phủ thực hiện giao ngân sách chi cho từng ngành, từng lĩnh vực.

Sau đó, Chính phủ lại phân cấp cho các bộ, ngành và UBND tỉnh. Tương tự, đối với ngân sách cấp tỉnh thì HĐND cấp tỉnh phân cấp cho UBND. Đây là việc phân cấp rất mạnh mẽ, rất lớn. "Trong quá trình thảo luận, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục xin ý kiến Bộ Chính trị", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường ngày 24/5 về dự án Luật sửa 7 luật và ngày 26/5 về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)./.