chống tham nhũng

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tại các đơn vị thuộc Bộ Tài chính được thành lập từ năm 2011. Ảnh: TL.

Theo quyết định, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Bộ Tài chính sẽ kết thúc hoạt động kể từ tháng 7/2018. Thủ trưởng các đơn vị: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định kết thúc hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tại đơn vị mình.

Trước đó, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ về đơn vị đầu mối tham mưu, giúp việc Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về công tác phòng, chống tham nhũng và kết thúc hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Bộ Tài chính, các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tại các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính.

Nghị quyết nêu rõ: Thanh tra Bộ Tài chính là đơn vị đầu mối, thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp, giúp việc cho Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về công tác phòng, chống tham nhũng.

Thanh tra Bộ Tài chính tham mưu, giúp Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính.

Đồng thời, Thanh tra Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp nghiên cứu, xây dựng và thẩm định các đề án, văn bản quan trọng về công tác phòng, chống tham nhũng trình Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính xem xét quyết định; tham mưu, giúp Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong Bộ Tài chính.

Thanh tra Bộ Tài chính có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính cung cấp thông tin, tài liệu và phối hợp thực hiện công tác tham mưu, giúp việc Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ Tài chính.

Minh Anh