985 dịch vụ công được cung cấp trực tuyến
Sáng 25/4 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tọa đàm “Đánh giá kết quả và chia sẻ bài học kinh nghiệm xây dựng chính phủ điện tử” của các bộ, ngành và địa phương năm 2018.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, báo cáo đánh giá được xây dựng dựa trên kết quả tổng hợp, kiểm tra, đánh giá từ báo cáo ứng dụng CNTT, phát triển chính phủ điện tử của các bộ, ngành địa phương.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm Phát triển chính phủ điện tử. Ảnh: Tuấn Nguyễn |
Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2018, cho thấy: Bộ Tài chính được đánh giá đứng thứ nhất về tổng thể mức độ ứng dụng CNTT; đứng thứ năm về chỉ số hạ tầng kỹ thuật CNTT; đứng thứ ba về chỉ số ứng dụng CNTT; đứng thứ 11 về chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến…
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm, công tác đánh giá mức độ ứng dụng CNTT được thực hiện dựa trên 6 hạng mục chính là: hạ tầng kỹ thuật CNTT; ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan; trang/cổng thông tin điện tử (cung cấp, cập nhật thông tin; các chức năng hỗ trợ trên trang/cổng thông tin điện tử); cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT và cuối cùng là nhân lực cho ứng dụng CNTT. Mỗi hạng mục được kiểm tra, tính điểm, tổng điểm của các hạng mục được sử dụng để xếp hạng tổng thể cho cơ quan.
Tham luận về kinh nghiệm “Phát triển chính phủ điện tử” của Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng, thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin hiện đại, các chương trình ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp…
Đặc biệt, việc đẩy nhanh triển khai một cách hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến như: Hệ thống thuế điện tử, hải quan điện tử, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hệ thống một cửa quốc gia hải quan ASEAN… không chỉ mang lại lợi ích cho công tác quản lý tài chính của ngành mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt cho toàn xã hội.
Theo tham luận của Bộ Tài chính, tính đến tháng 4/2019, tổng số thủ tục hành chính bộ đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 985 dịch vụ. Trong đó: có 126 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1; 356 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 197 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 306 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã triển khai mở rộng hệ thống dịch vụ thuế trên mạng như: dịch vụ nộp thuế điện tử; hoàn thuế điện tử; thí điểm hệ thống cấp hóa đơn điện tử có xác thực; triển khai dịch vụ nộp thuế đất đai, hộ cá nhân điện tử; nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử...
Đối với lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính cho biết, có 100% cơ quan hải quan các tỉnh, thành phố đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử thông qua hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc tới cấp chi cục.
Việc triển khai hệ thống VNACCS/VCIS đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan, tạo tiền đề cho việc kết nối hệ thống cơ chế một cửa quốc gia với các bộ, ngành liên quan…
Tiếp tục nâng cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ DN
Phát huy kết quả đạt được, tiếp tục xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu quả, giảm thiểu chi phí về thời gian và chi phí của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Cổng giao tiếp ngành Tài chính, tích hợp với các cổng giao tiếp trong ngành, liên thông với Chính phủ và các cơ quan nhà nước theo hướng dữ liệu mở sử dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo, tương tác và trả lời tự động để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 mà ngành Tài chính sẽ triển khai trong giai đoạn 2018 - 2019, nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của bộ. Theo đó, bộ sẽ triển khai xây dựng mới 195 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; nâng cấp 93 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lên mức độ 4.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Tài chính cho rằng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn khá nhiều khó khăn, vướng mắc như: Trình độ, kiến thức CNTT chưa đồng đều, các tổ chức, cá nhân vẫn còn có thói quen gửi hồ sơ bản cứng đến các cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, còn có tâm lý lo ngại về sự mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, do vậy số lượng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến vẫn còn hạn chế, dẫn đến người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ công trực tuyến…
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị:
Cần tăng cường công tác rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để triển khai điện tử hóa các thủ tục hành chính và triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Chính phủ cần sớm ban hành nghị định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn nhà nước thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để tạo thuận lợi và góp phần đẩy nhanh quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương./.
Văn Tuấn