Chính phủ sẽ duyệt tờ trình 1 luật sửa 7 luật trong ngày mai
Theo báo cáo tại hội nghị, các chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính chủ trì cơ bản đảm bảo tiến độ.
Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sau khi được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2024, đến nay, cơ quan soạn thảo đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật.
Đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), ngày 6/9/2024, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật.
Lãnh đạo Vụ Tài chính ngân hàng báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh. |
Bộ Tài chính cũng đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Sau khi tiếp thu các đóng góp, Bộ đã gửi xin ý kiến Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện dự án Luật, trên cơ sở đó hoàn thiện để gửi lấy ý kiến thẩm tra Ủy ban Tài chính ngân sách và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự Luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10/2024.
Ngoài các dự án luật, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; các đề án Bộ Tài chính được giao soạn thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như việc xây dựng các Thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ vẫn đang được triển khai cơ bản đảm bảo tiến độ. |
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (1 Luật sửa 7 Luật), chia sẻ tại hội nghị giao ban, ông Hoàng Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, ngày 5/9/2024, Bộ Tài chính đã có công văn gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự án Luật này.
Theo dự kiến, ngày mai, 10/9, Chính phủ sẽ phê duyệt tờ trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 tới đây, theo quy trình một kỳ họp.
Nâng cao hiệu quả thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh
Trong công tác điều hành ngân sách nhà nước, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, qua 8 tháng năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.335,6 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán, tăng 17,8% so cùng kỳ năm 2023.
Trong đó: thu nội địa 1.117,2 nghìn tỷ đồng, bằng 77,3% dự toán, tăng 18,9%; thu từ dầu thô khoảng 39,4 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán, giảm 2,6%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 178,7 nghìn tỷ đồng, bằng 87,6% dự toán, tăng 16,2%.
Thứ trưởng Võ Thành Hưng điều hành hội nghị. Ảnh: Đức Minh. |
Ông Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, một điểm nhấn thời gian qua là có 17/20 sắc thuế đang có tiến độ thu tốt, đạt trên 70% dự toán. Trong 3 khoản dưới 70% thì đáng chú ý có khoản thu từ tiền sử dụng đất mới đạt 56,1%.
Hiện nay, Tổng cục Thuế đang xây dựng, đề xuất với Bộ Tài chính để triển khai một số giải pháp cụ thể hơn để khai thác nguồn thu, nâng cao hiệu quả thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là từ khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Văn Thọ - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho hay, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 8 tháng năm 2024 đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7%.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% và trị giá nhập khẩu đạt 246,01 tỷ USD, tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 thặng dư 19,08 tỷ USD, thấp hơn 4,1% so với con số thặng dư 19,9 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Sự tích cực của thương mại hàng hóa đã góp phần giúp số thu của ngành Hải quan đạt nhiều kết quả khả quan. Tổng thu 8 tháng qua do cơ quan hải quan thực hiện đạt 274.035 tỷ đồng, bằng 73,1% dự toán được giao, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 25/8/2024, đã thực hiện phát hành gần 230,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 11,01 năm, lãi suất bình quân 2,46 %/năm. |
Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước 8 tháng ước đạt 1.104,2 nghìn tỷ đồng, bằng 52,1% dự toán, tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2023.
Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 273,6 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân ước đạt 40,36% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm cả về giá trị và tỷ lệ so cùng kỳ. Chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 71,1 nghìn tỷ đồng, bằng 63,7% dự toán, tăng 8,9% so cùng kỳ; chi thường xuyên ước đạt 758,7 nghìn tỷ đồng, bằng 60,2% dự toán, tăng 6% so cùng kỳ.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Võ Thành Hưng biểu dương các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, góp phần cùng cả nước đạt nhiều kết quả tích cực, được Chính phủ đánh giá cao.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng lưu ý các đơn vị khẩn trương hoàn thiện các báo cáo về ngân sách nhà nước, nợ công, hoạt động của doanh nghiệp cũng như tập trung hoàn thiện các dự án luật để kịp thời, đảm bảo tiến độ phục vụ cho Hội nghị Trung ương diễn ra vào giữa tháng 9/2024 và Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10/2024.
Về xây dựng thể chế, bên cạnh các dự án lớn, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đề nghị các đơn vị chú ý việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai một số luật đã có hiệu lực, đặc biệt là Luật Đất đai, Luật Nhà ở; các văn bản liên quan đến môi trường kinh doanh như Nghị định về hóa đơn điện tử hay các văn bản giải quyết vướng mắc về tài sản công…
“Các đơn vị tăng cường công tác quản lý thu, phấn đấu thu đạt trên 10% như cấp trên đã chỉ đạo. Vụ Ngân sách nhà nước và Vụ Hành chính sự nghiệp khẩn trương tổng hợp phần tiết kiệm 5% chi thường xuyên để báo cáo Chính phủ. Ủy ban Chứng khoán nhà nước phối hợp chặt chẽ với Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính đảm bảo thị trường ổn định, minh bạch, chú ý thời điểm đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp” - lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Liên quan đến khắc phục hậu quả thiên tai, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Dự trữ Nhà nước đảm bảo hàng tồn kho và xuất cấp kịp thời, đồng thời đảm bảo chức năng quản lý hàng dự trữ đúng yêu cầu.
Lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu Văn phòng tham mưu ban hành Công điện của Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi các tổng cục để triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ về tài sản, con người, hệ thống công nghệ thông tin; có phương án kịp thời xử lý khi xảy ra sự cố, đặc biệt là các đơn vị ngành dọc có tác động nhiều đến người dân, doanh nghiệp, các tổ chức khác./.