Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Phương Anh |
Thu từ sản xuất kinh doanh tăng hơn 10%
Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 8 ước đạt 101,3 nghìn tỷ đồng, bằng 6% dự toán, bằng 57,5% (giảm 75 nghìn tỷ đồng) mức thu bình quân của 7 tháng đầu năm (176,3 nghìn tỷ đồng/tháng). Trong đó: Thu nội địa ước đạt 81,3 nghìn tỷ đồng, bằng 5,6% dự toán, bằng 54,9% (giảm 66,7 nghìn tỷ đồng) mức thu bình quân của 7 tháng đầu năm (148 nghìn tỷ đồng/tháng). Thu từ dầu thô ước đạt 5 nghìn tỷ đồng, bằng 10,9% dự toán, bằng 101,9% mức thu bình quân tháng của 7 tháng đầu năm (4,9 nghìn tỷ đồng/tháng).
Khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp ước đạt 88,2% dự toánCác khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (chiếm 50,9% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 75,6% dự toán, tăng 10,7% so cùng kỳ. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm khoảng 50% tổng số thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh) ước đạt 88,2% dự toán, tăng 15% so cùng kỳ do các doanh nghiệp đã tạm nộp 4/5 kỳ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. |
Lũy kế 8 tháng thu NSNN ước đạt 1.335,6 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 83,2% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 73,8% dự toán), tăng 17,8% so cùng kỳ năm 2023 (không kể yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất thì tăng 12,4% so cùng kỳ).
Trong đó: Thu nội địa 8 tháng ước đạt 1.117,2 nghìn tỷ đồng, bằng 77,3% dự toán, tăng 18,9% so cùng kỳ năm 2023 (không kể yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất thì tăng 11,6% so cùng kỳ). Thu từ dầu thô ước đạt khoảng 39,4 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2023. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 178,7 nghìn tỷ đồng, bằng 87,6% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 270,2 nghìn tỷ đồng, bằng 72% dự toán, tăng 11,5% so với cùng kỳ, hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 91,4 nghìn tỷ đồng, bằng 53,5% dự toán.
Theo Bộ Tài chính, trong số thu nội địa 8 tháng năm 2024, thu tiền sử dụng đất ước đạt 127,3 nghìn tỷ đồng. Mặc dù mới đạt 56,1% dự toán, song vẫn tăng 93,6% so với cùng kỳ, trong đó một số địa phương đã tổ chức tốt công tác đấu giá đất, giao đất cho các dự án từ cuối năm 2023 phát sinh số nộp tiền sử dụng đất đầu năm 2024. Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ước đạt 35,3 nghìn tỷ đồng, bằng 82,1% dự toán, tăng 11,8% so cùng kỳ. Thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 84,5 nghìn tỷ đồng, bằng 99% dự toán, tăng 0,7% so cùng kỳ, chủ yếu nhờ tăng thu chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước.
Thu hồi vốn NSNN đầu tư tại các tổ chức kinh tế ước đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, bằng 442,8% dự toán, do tăng thu nộp ngân sách địa phương các khoản cổ phần hóa các doanh nghiệp của địa phương từ các năm trước. Các khoản thu nội địa còn lại ước đạt 852,3 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán, tăng 13,5% so cùng kỳ.
53/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ
Một điều đáng chú ý đó là, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (chiếm 50,9% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 75,6% dự toán, tăng 10,7% so cùng kỳ (không kể yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế thì bằng 102,7% số thu cùng kỳ). Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm khoảng 50% tổng số thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh) ước đạt 88,2% dự toán, tăng 15% so cùng kỳ do các doanh nghiệp đã tạm nộp 4/5 kỳ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng ước đạt 69,9% dự toán, tăng 17,3% so cùng kỳ; thuế tiêu thụ đặc biệt ước đạt 63,7% dự toán, giảm 4,9% so cùng kỳ.
Bên cạnh đó, thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 81,3% dự toán, tăng 16,8% so cùng kỳ, chủ yếu do tăng thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và chuyển nhượng chứng khoán. Một số khoản thu có tiến độ thu đạt khá (trên 70% dự toán) như: thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 71,8% dự toán, tăng 11,9%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 202,6% dự toán; thu khác ngân sách đạt 96,4% dự toán.
Về số thu trên địa bàn, Bộ Tài chính cho biết, ước tính có 30/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng ước đạt trên 72% dự toán; 53/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ. Để có nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chi trong dự toán và chi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đồng thời góp phần thu đúng, thu đủ vào NSNN, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó tăng cường thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ thuế.
Tính đến ngày 15/8, cơ quan Thuế đã thực hiện 34,8 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 365,3 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính khoảng 30,9 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN khoảng 9 nghìn tỷ đồng (đã nộp vào ngân sách khoảng 6,3 nghìn tỷ đồng), giảm khấu trừ và giảm lỗ gần 21,9 nghìn tỷ đồng. Đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế ước đến hết tháng 8 đạt khoảng 53,8 nghìn tỷ đồng (tổng nợ thuế nội địa ước tính đến ngày 31/8/2024 khoảng 206 nghìn tỷ đồng, tăng 21,1% so với thời điểm 31/12/2023).
Cơ quan hải quan đã thực hiện 1.109 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý thu vào NSNN 290,5 tỷ đồng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 9,8 nghìn vụ vi phạm với giá trị hàng hóa 18,4 nghìn tỷ đồng, xử lý thu vào NSNN 413 tỷ đồng.
Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, kiểm soát chặt chẽ tình hình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, tăng cường tuyên truyền, giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hiện đại công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử…
Đảm bảo các nhiệm vụ chi trong dự toánTheo Bộ Tài chính, 8 tháng qua, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước (NSNN) được thực hiện theo dự toán, tập trung đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản chi trả nợ đến hạn, đảm bảo chi trả kịp thời các khoản lương và các khoản có tính chất lương đến các đối tượng thụ hưởng NSNN, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tổng chi cân đối NSNN tháng 8 ước đạt 158,8 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 8 tháng ước đạt 1.104,2 nghìn tỷ đồng, bằng 52,1% dự toán, tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 273,6 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân ước đạt 40,36% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm cả về giá trị (khoảng 25,8 nghìn tỷ đồng) và tỷ lệ so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt 299,4 nghìn tỷ đồng, bằng 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong tháng 8, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 8 khoảng 89,8 nghìn tỷ đồng, trong đó, số tiền miễn, giảm khoảng 60,9 nghìn tỷ đồng và gia hạn khoảng 28,9 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh chi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, theo Bộ Tài chính, ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng 9,8 nghìn tỷ đồng để bổ sung kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và hỗ trợ cho các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, đột xuất, cấp bách; kinh phí phòng, chống dịch bệnh và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh. Về cân đối NSNN, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 25/8/2024, đã thực hiện phát hành gần 230,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 11,01 năm, lãi suất bình quân 2,46 %/năm. |