Bộ Tài chính năm thứ 10 liên tiếp dẫn đầu PAR Index: Thước đo tâm huyết vì người dân, doanh nghiệp
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồhọa: Phương Anh

Tiên phong, đột phá trong cải cách

Tiếp tục tiên phong, đột phá trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để giữ các “mốc” đã đạt được trong thời gian qua là nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ Tài chính. 10 năm liền trong Top đầu PAR Index, vinh danh xếp vị trí thứ nhất về mức độ chuyển đổi số... là những con số ấn tượng.

Theo kết quả được công bố PAR Index năm 2023, các chỉ số cụ thể lần lượt là: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đạt 93,73%; cải cách thể chế đạt 76,58%; cải cách TTHC đạt 84,08%; cải cách tổ chức bộ máy đạt 95,15%; cải cách chế độ công vụ đạt 93,01%; cải cách tài chính công đạt 95,2% và xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số đạt 88,62%.

Về chỉ số cải cách tài chính công, Bộ Tài chính tiếp tục là một trong số các bộ dẫn đầu, đạt tỷ lệ trên 95,2%.

Như vậy, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC tại Bộ Tài chính tiếp tục được quan tâm thực hiện nhằm đẩy mạnh triển khai các nội dung, nhiệm vụ theo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Triển khai có hiệu quả các hệ thống thông tin lớn

Bộ Tài chính đã tập trung triển khai có hiệu quả các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi bám sát chương trình chuyển đổi số, trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ trong giải quyết thủ tục hành chính người dân, doanh nghiệp như lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc.

Kết quả trên cho thấy vai trò tiên phong của Bộ trong quản lý và thực hiện các quy định pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước. Đáng chú ý, trong năm 2023, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước; cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2023, chỉ số xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số của Bộ Tài chính tiếp tục đạt cao trên 88,62%.

Kết quả đánh giá PAR Index năm 2023 tiếp tục khẳng định đây là công cụ quản lý quan trọng, thước đo giúp xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện nhiệm vụ CCHC của Bộ Tài chính nói riêng và các bộ, ngành, địa phương nói chung.

Chỉ số PAR Index năm 2023 đã nâng cao mức độ cá thể hóa trách nhiệm tới từng cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Chuyển đổi số là 1 trong 3 đột phá chiến lược

Công chức Cục Thuế tỉnh hướng dẫn thủ tục hành chính cho người nộp thuế.

Với việc xác định “đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số” là một trong các đột phá trong Chiến lược Tài chính đến năm 2030.

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, Ban pháp chế VCCI đã thực hiện khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp, kết quả cho thấy, cơ quan thuế, hải quan đã có những thay đổi rất tích cực. Đơn cử như liên quan đến việc thông quan hàng hóa cho thấy sự nỗ lực của ngành Hải quan trong thời gian qua để kéo giảm thời gian thông quan. Cơ quan thuế, hải quan đã sẵn sàng lắng nghe để thay đổi và kết quả mang lại rất rõ rệt, được doanh nghiệp đánh giá cao.

Cơ quan thuế, hải quan đã lấy mức độ hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo đánh giá năng lực, hiệu lực hiệu quả của cơ quan. Các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến theo các hình thức khác nhau cũng đã được triển khai, kể cả trên truyền hình, các hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp theo chuyên đề, theo các cấp khác nhau trong hệ thống quản lý, tiếp tục thể hiện sự cầu thị và tư duy đổi mới trong hoạt động.

Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới tiếp tục tiên phong, chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi số. Để duy trì các thành tích đạt được và thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong tổ chức, vận hành, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường số.

Việc thực hiện trên môi trường số tạo thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, góp phần giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM: Tạo hiệu ứng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ Tài chính năm thứ 10 liên tiếp dẫn đầu PAR Index: Thước đo tâm huyết vì người dân, doanh nghiệp

Bộ Tài chính luôn là bộ tiên phong trong công tác cải cách TTHC, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, giúp giảm mạnh thời gian nộp thuế và thông quan hàng hóa. Đặc biệt, mức độ cải cách TTHC của ngành Tài chính luôn được duy trì liên tục, ổn định trong nhiều năm, theo phương châm lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, là thước đo của công tác cải cách hành chính.

Việc cắt giảm các TTHC của ngành Tài chính đã tạo ra những hiệu ứng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt các chi phí trong tuân thủ của cả cơ quan quản lý và người dân, doanh nghiệp. Trong đó, đã giảm cả về thời gian, chi phí cũng như giảm bớt được những tổn thương xã hội khác do Covid-19 gây ra. Việc này đã giúp ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho môi trường đầu tư, giúp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh có thể nói là rất kịp thời và hiệu quả. Theo khảo sát của Hiệp hội, đến 70% doanh nghiệp đánh giá là hài lòng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Về lâu dài, các chính sách hỗ trợ ngắn hạn khi khó khăn kết hợp với các chính sách dài hơi đã có sẵn sẽ bổ trợ cho nhau để mang đến nguồn lực tốt hơn cho doanh nghiệp. Và những nỗ lực này của Nhà nước là một điều rất ý nghĩa về mặt chính trị. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ cảm thấy Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng công tác CCHC của ngành Tài chính sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, để hỗ trợ hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.

TS. NGUYỄN MINH PHONG - CHUYÊN GIA KINH TẾ: Thể hiện tính chủ động cao của Bộ Tài chính

Bộ Tài chính năm thứ 10 liên tiếp dẫn đầu PAR Index: Thước đo tâm huyết vì người dân, doanh nghiệp

Do vị trí, chức năng đặc thù của mình trong quản lý nhà nước, Bộ Tài chính là một trong những bộ, ngành quản lý nhiều TTHC nhất, cũng vì vậy mà luôn tập trung rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước cũng như hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, hiện Bộ Tài chính có gần 50% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, là một trong những điều khẳng định kết quả rất đáng ghi nhận của Bộ Tài chính trong giảm thiểu các thủ tục.

Kết quả này là minh chứng cho thấy tính chủ động của Bộ Tài chính trong việc cắt giảm các TTHC. Bộ Tài chính thường xuyên có những công văn chỉ đạo nội bộ cũng như tuân thủ bám sát chỉ đạo của Chính phủ để triển khai rất tích cực quá trình cắt giảm này. Những con số về số TTHC được cắt giảm rõ ràng là kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với gần 800 TTHC thuộc thẩm quyền đang quản lý thì vẫn còn dư địa để Bộ Tài chính tiếp tục chủ động cắt giảm hơn nữa và tôi tin rằng, Bộ sẽ tiếp tục trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu trong cải cách TTHC trong kỳ đánh giá tiếp theo.