Các địa phương được phép bội chi NSĐP để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn

Các địa phương được phép bội chi NSĐP để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Ông Hưng dẫn chứng, dự toán năm 2017 tổng mức bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 6.000 tỷ đồng, song mức thực hiện chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng, giảm 4.000 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội (QH) quyết định.

PV: 4 tháng đầu năm, thu ngân sách ước đạt 446,4 nghìn tỷ đồng, tổng chi khoảng 410 nghìn tỷ đồng, trong đó, chi thường xuyên chiếm tới 73,5% tổng chi. Dư luận lo ngại vì chi thường xuyên, trả nợ lãi tăng, trong khi chi đầu tư lại giảm. Ông nhận định về điều này ra sao?

- Ông Võ Thành Hưng: Dự toán chi NSNN năm 2018, cơ cấu chi đầu tư phát triển (ĐTPT) chiếm 26,2%, chi trả nợ lãi chiếm 7,39%, chi thường xuyên chiếm 61,76%. Theo thông lệ, những tháng đầu năm chi ĐTPT thường chậm (do các bộ, ngành, địa phương đang trong quá trình triển khai phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư cho các chủ đầu tư, đồng thời ảnh hưởng của tết Nguyên đán); chi thường xuyên (thanh toán lương, phụ cấp, trợ cấp xã hội và chi phục vụ hoạt động của các cơ quan đơn vị...) tương đối đều trong năm; chi trả nợ lãi theo tiến độ của các khoản nợ đến hạn.

Ông Võ Thành Hưng

Ông Võ Thành Hưng

Qua kết quả thực hiện 4 tháng, diễn biến chi thường xuyên đạt 32,1%, tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước là phù hợp với dự toán và thực tế triển khai nhiệm vụ của các đơn vị sử dụng ngân sách. Trong thực tế, cơ cấu chi thường xuyên, chi hoạt động các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể chiếm khoảng 14,47%, còn lại là chi phát triển các sự nghiệp y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đây là các lĩnh vực chi ưu tiên theo nghị quyết của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, tiến độ chi ĐTPT 4 tháng đạt 16,3% dự toán, giảm 5,2% so cùng kỳ là vấn đề đáng lo ngại, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

PV: Các chuyên gia kinh tế và đại biểu QH không ít lần nhận định rằng, bội chi tăng là do kỷ cương kỷ luật có vấn đề. Ông có đồng tình với ý kiến đó hay không?

- Ông Võ Thành Hưng: Về bội chi ngân sách, Bộ Tài chính và Chính phủ cơ bản luôn điều hành theo đúng dự toán. QH hàng năm quyết định số thu, số chi và số bội chi. Số bội chi xác định số tuyệt đối và quy ra tỷ lệ tương đối theo giá trị GDP đúng kế hoạch. Số tuyệt đối của bội chi, cơ bản Bộ Tài chính điều hành theo số QH quyết. Đơn cử, năm 2015 bội chi tăng 7.000 tỷ đồng, năm 2016 giảm 5.000 tỷ đồng, năm 2017 giảm 4.000 tỷ đồng về số tuyệt đối. Tuy nhiên, 3 năm qua cả số tương đối bội chi đều tăng theo kế hoạch, giá trị GDP theo kế hoạch cao hơn thực tế, nên thực tế không đạt kế hoạch.

Dĩ nhiên người làm công tác tài chính như chúng tôi không bao giờ mong muốn bội chi, mà mong thu chi ngân sách hướng tới cân bằng, thậm chí thặng dư ngân sách càng tốt, để tạo dư địa trong điều hành chính sách tài khóa trong những thời điểm khó khăn.

Tuy nhiên, nhu cầu chi chúng ta tương đối lớn, mà thu lại giảm. Giai đoạn 2006 - 2010 huy động vào ngân sách ở mức 28 - 29% GDP, đến thời điểm này còn khoảng 24% GDP, như vậy đã giảm 4 - 5% GDP. Nếu huy động bằng mức thời điểm giai đoạn 2006 - 2010 thì có khả năng đã cân bằng được ngân sách.

Trên thực tế, huy động từ xuất nhập khẩu (XNK) và dầu thô giảm, khoảng 11% những năm 2001 - 2005, giai đoạn 2006 - 2010 còn 7 - 8%, thì đến năm 2016 - 2020 chỉ khoảng 3%, như vậy đã hụt khoảng 5 - 7% GDP từ XNK và dầu thô, vì vậy phải bù lại từ thuế nội địa. Thuế nội địa tăng trên cơ sở nền tảng tăng trưởng kinh tế, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và đóng góp của người dân. Đó là những giải pháp chúng tôi đang hướng tới và tiếp tục giảm dần bội chi, tối ưu nhất là cân bằng thu - chi ngân sách.

PV: Thưa ông, liệu có chuyện bội chi ngân sách ở nhiều địa phương đang ở mức báo động như một số ý kiến nhận định vừa qua hay không?

- Ông Võ Thành Hưng: Từ năm 2017, theo quy định của Luật NSNN năm 2015, các địa phương được phép bội chi NSĐP để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND cấp tỉnh quyết định. Đồng thời, luật cũng quy định rõ trần dư nợ vay của từng địa phương theo khả năng thu. Địa phương có khả năng thu cao hơn thì được vay ở mức cao hơn, địa phương khó khăn hơn được vay ở mức thấp hơn. Không những thế, số bội chi hàng năm của các địa phương cũng được QH quyết định, cho nên không có chuyện bội chi tại các địa phương ở mức báo động.

Dự toán NSNN năm 2017, QH quyết định tổng mức bội chi NSĐP là 6.000 tỷ đồng (bù trừ bội chi, bội thu của từng địa phương); tuy nhiên, mức thực hiện chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng, giảm 4.000 tỷ đồng so với dự toán được QH quyết định. Qua theo dõi, các địa phương đều chấp hành tốt quy định của Luật NSNN, không có địa phương nào vượt mức bội chi đã được QH quyết định.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương thu - chi ngân sách cần được triển khai như thế nào để tránh tình trạng chỉ là hô khẩu hiệu, thưa ông?

- Ông Võ Thành Hưng: Vấn đề siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính trong thu - chi ngân sách là nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đây cũng là vấn đề được đề cập trong Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25/2016/QH14 của QH. Thời gian qua, vấn đề kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách đã được tăng cường hơn. Tuy nhiên, thực tế tình trạng chấp hành kỷ luật NSNN ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm, kể cả ở trung ương, địa phương, các cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp.

Tại lĩnh vực thu NSNN, còn tình trạng kê khai thiếu số thuế phải nộp; gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý thuế; có các tiêu chí phân loại rủi ro để có phương thức quản lý phù hợp, đảm bảo công khai, minh bạch... Bộ cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn để siết chặt việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính trong lĩnh vực chi NSNN.

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Anh (thực hiện)