Trên bao bì sản phẩm xúc xích không thể hiện ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có tem.
Lô xúc xích nhập lậu bị Hải quan Quảng Ninh bắt giữ mới đây.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng giả, hàng kém chất lượng đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp, nhất là đối với các loại thuốc đặc trị có giá trị cao, khan hiếm tại thị trường trong nước, các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe và các sản phẩm làm đẹp.

Trong 4 năm thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, tích cực phối hợp và triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đã phát hiện và xử lý hàng chục nghìn vụ việc vi phạm.

Gần đây nhất, đầu tháng 3/2024, lực lượng chức năng Quảng Ninh đã kiểm tra, thu giữ hơn 800 sản phẩm dung dịch nước rửa tay, sơn móng tay gồm: 200 lọ dung dịch rửa tay khô sát khuẩn hiệu Pocker Han và 648 lọ sơn móng tay hiệu BoBo loại 15ml/lọ do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Trước đó, ngày 26/2, Hải quan Quảng Ninh cũng phát hiện, bắt giữ 10 thùng carton là xúc xích Trung Quốc, mỗi thùng trọng lượng 14 kg, tổng trọng lượng là 140 kg. Điều đáng nói, trên bao bì hàng hóa không thể hiện ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt và không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan đến lô hàng.

Cùng thời điểm đó, tại Hà Nội, lực lượng liên ngành cũng phát hiện một kho hàng chứa lượng lớn sản phẩm là mỹ phẩm dạng kem dưỡng, serum, mặt nạ dưỡng da và thực phẩm chức năng phục vụ nhu cầu làm đẹp, được dán nhãn, tem là thương hiệu nước ngoài.

Trong số này có 840 lọ Blackmores Evening Primrose Oil, xuất xứ Australia, 1.300 mặt nạ Yujin, xuất xứ Korea, 16.362 chai dung dịch vệ sinh femfresh có dấu hiệu bị làm giả.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sang chiết, đóng sản phẩm vào các hộp, chai, lọ bên ngoài thể hiện các nhãn hiệu như Ronas, Ultra-V, Vitamin E, Gamma, Royal retinol… có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ với khối lượng lên tới 40 tấn hàng hoá.

Trong đó, có một số sản phẩm như 6.288 hộp thành phẩm dán nhãn Vitamin E Cream trên nhãn thể hiện Made in Australia; 828 lọ Gamma Linolenicacid Evening Primrose Oil, thể hiện xuất xứ Canada; 450 hộp UltraV Premium Peeling, Made in Korea; 12.920 lọ thành phẩm Royal Retinol; 1.008 hộp thành phẩm J-Cain, trên nhãn thể hiện Made in Korea...

Mỹ phẩm giả bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Mỹ phẩm giả bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Vấn nạn của xã hội

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nói riêng là một trong những vấn nạn của xã hội. Hậu quả, quả đã ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến kinh tế, sức khỏe, tính mạng của người dân, lợi ích người tiêu dùng, uy tín thương hiệu của tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh chính đáng gây thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định, lành mạnh môi trường kinh doanh và an ninh trật tự.

Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ lợi ích, sức khỏe của người dân; kịp thời ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trong lĩnh vực y tế hiệu quả, các lực lượng chức năng đang triển khai nhiều giải pháp.

Đối với các doanh nghiệp, hoạt động này có thể tác động đến uy tín thương hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chính đáng; gây thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định, lành mạnh của môi trường kinh doanh và an ninh trật tự.

Trong đó, cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhằm kiểm soát tốt hơn trong quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng đối với nhóm mặt dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.

Riêng ngành Hải quan đang đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt chú ý các lô hàng quy định phải đảm bảo điều kiện kiểm tra chuyên ngành theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ.