tu

Trong thời gian tới, việc tự chủ trong các trường ĐH công lập không chỉ là khuyến khích thực hiện nữa mà là bắt buộc.

Bởi vậy, cần đẩy nhanh quá trình thực hiện tự chủ ĐH, gắn với tăng cường tính công khai, minh bạch, nhất là trong vấn đề thu – chi của các trường ĐH tự chủ. Đây là chia sẻ của ông Lê Viết Khuyến, Trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học, Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam với phóng viên TBTCVN.

* PV: Vấn đề tự chủ ĐH mặc dù đã đề cập tới hơn chục năm nay, nhưng hiện cả nước mới chỉ có 14 trường xin tự chủ, phần nhiều các trường vẫn chần chừ, do dự. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

- Ông Lê Viết Khuyến: Tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH công lập là một chủ trương lớn của Nhà nước, được triển khai từng bước bắt đầu từ năm 2006. Thực tiễn 10 năm qua cho thấy, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH là hoàn toàn đúng đắn, tuy vậy, đến nay rất ít trường ĐH công thực hiện tự chủ. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, cả nước hiện có hơn 300 trường ĐH, cao đẳng công lập, song mới có 14 trường tự nguyện đăng ký tự chủ và được Chính phủ công nhận, duyệt đề án cho tự chủ. Phần lớn các trường còn lại đang chuẩn bị hoặc chưa chuẩn bị cho việc thực hiện tự chủ.

khuyen
Ông Lê Viết Khuyến

Lý giải cho thực trạng này, có thể do nhiều nguyên nhân, trước hết, về phía cơ quan quản lý – bộ chủ quản, có bộ rất muốn trao quyền tự chủ cho các trường để các trường có thể chủ động, năng động sáng tạo và phát triển. Tuy nhiên, không ít bộ chủ quản không muốn từ bỏ vai trò quản lý của mình, thậm chí vẫn muốn “cầm tay chỉ việc”, can thiệp vào hoạt động của các trường, nên chần chừ trong việc giao quyền tự chủ cho các trường.

Về phía các trường ĐH, một số trường hết sức hăng hái, mong chờ được tự chủ. Tuy nhiên, nhiều trường lo sợ, ngần ngại việc xa rời “bầu sữa” bao cấp của ngân sách nhà nước, ngần ngại “bơi” trong bối cảnh tự lập, nên do dự thực hiện tự chủ. Thậm chí, nhiều trường đại học vẫn có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước.

* PV: Tuy nhiên, thực hiện tự chủ ĐH, vấn đề mà người học và dư luận đặt ra là học phí cao có đồng nghĩa với chất lượng cao. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ông Lê Viết Khuyến: Thực sự, nếu hiểu một cách phiến diện về nguồn thu của các trường thì rõ ràng việc tăng học phí là để bù lại cho phần thiếu hụt do Nhà nước không trợ cấp nữa, chứ không đồng nghĩa với việc được tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, với cách nhìn toàn diện, trong một môi trường cạnh tranh gay gắt, để tồn tại và phát triển, các trường buộc phải xây dựng cơ chế để sử dụng hiệu quả nguồn vốn được tự chủ, để nâng cao chất lượng đào tạo và từ đó mới có thể thu hút người học, bởi nếu không có người học thì trường sẽ không thể tồn tại được.

* PV: Vậy người học và các trường thực hiện tự chủ sẽ được hưởng lợi gì từ cơ chế mới, thưa ông?

- Ông Lê Viết Khuyến: Khi các trường thực hiện tự chủ, sẽ tạo điều kiện cho trường nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong quản lý tài chính của đơn vị. Theo đó các trường sẽ có thêm điều kiện để tăng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người học; thực hiện tốt chính sách miễn giảm học phí, chính sách học bổng khuyến khích học tập… Bên cạnh đó, các trường sẽ có điều kiện để huy động các nguồn lực đầu tư, tiết kiệm chi, có nguồn lực nâng cao đời sống, thu nhập của giảng viên, tạo động lực để họ tích cực lao động, cống hiến, nâng cao chất lượng đào tạo.

Về phía người học, sẽ nhận được dịch vụ đào tạo có cam kết với mức “giá” tương ứng. Bởi, nếu không đảm bảo chất lượng đào tạo, trường sẽ không được sinh viên lựa chọn thì không thể tồn tại được.

* PV: Để quá trình thực hiện tự chủ các đơn vị giáo dục ĐH công lập được triển khai sâu rộng, hiệu quả, theo ông, cần có những giải pháp như thế nào?

- Ông Lê Viết Khuyến: Trong thời gian tới, việc tự chủ trong các trường ĐH công lập không chỉ là khuyến khích thực hiện nữa mà là bắt buộc. Bởi vậy, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để quá trình thực hiện tự chủ trong các trường ĐH công hiệu quả, thành công.

Theo đó, trước hết, các cơ quan quản lý – bộ chủ quản cần sớm ban hành nghị định và các văn bản quy định hướng dẫn cụ thể về cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo tinh thần Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Thực hiện điều này cũng cần tăng tính tự chịu trách nhiệm của các “tư lệnh ngành” nếu chậm trễ thực hiện những chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ.

Đối với các trường ĐH, cấp lãnh đạo nhà trường cần xóa bỏ tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Ngược lại, các trường phải phấn đấu để tự khẳng định mình trong cuộc cạnh tranh trên thị trường dịch vụ giáo dục, nếu không có thể bị sàng lọc, sáp nhập hoặc giải thể.

Đặc biệt, bên cạnh việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, Nhà nước phải tạo ra các công cụ để kiểm tra và giám sát việc thu chi công khai, minh bạch, cũng như việc chấp hành luật pháp của nhà trường. Đồng thời, cần có những quy định đối với các trường về những nội dung cần phải công khai, cách thức công khai… để đảm bảo người học có cơ sở đánh giá, so sánh giữa các trường, nhất là về chất lượng của cơ sở đào tạo…

* PV: Xin cám ơn ông!

Thiện Trần (thực hiện)