canh

Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế công nghiệp 4.0.

Xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam còn thấp

Sáng ngày 3/10, Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 đã chính thức được khai mạc, với phiên thảo luận chính: “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia CMCN lần thứ 4”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (KTTW) Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng chủ trì phiên thảo luận.

“Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Và đây lại càng là lợi thế của Việt Nam khi chúng ta có Đảng lãnh đạo, có thể ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung. Nghị quyết 52 là một ví dụ như vậy” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Nhấn mạnh tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, cuộc CMCN 4.0 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội. Với Việt Nam, nhiều kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước đã dự báo việc tham gia CMCN 4.0 sẽ mang lại những kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Chính phủ đã có chỉ thị về nâng cao năng lực CMCN 4.0 và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông. Hiện cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước, trong đó vùng phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% với mức cước phí thấp, mạng 5G đã được cấp phép thử nghiệm và dự kiến triển khai thương mại từ năm 2020…

Tuy nhiên, mức độ chủ động tham gia CMCN 4.0 của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình. Mặt khác, thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa hình thành đồng bộ; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới của CMCN 4.0. Đặc biệt, thiếu quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, định danh số và xác thực điện tử cho người dân chưa phát triển.

Xuất phát từ thực tế trên trên, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, Nghị quyết số 52-NQ/TW (NQ52) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 27/9 vừa qua đã thể hiện rõ quan điểm và sự quyết tâm của Đảng. “Việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội” - ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông cũng cho biết, NQ52 của Bộ Chính trị đã định hướng cho chuyển đổi số tại Việt Nam. Tinh thần của nghị quyết là đặt mục tiêu cao, nhất là mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP, để từ đó phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển.

Và theo ông Hùng, để cải cách về thể chế thì chúng ta phải có chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, theo ông Hùng, chấp nhận cái mới sẽ phụ thuộc vào chuyển đổi nhận thức của con người. “Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Và đây lại càng là lợi thế của Việt Nam khi chúng ta có Đảng lãnh đạo, có thể ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung. Nghị quyết 52 là một ví dụ như vậy” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Linh hoạt trước yếu tố khó lường của CMCN 4.0

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đánh giá cao tinh thần chủ động tham gia vào CMCN 4.0 từ trung ương đến địa phương. “Rất hiếm hoi khi nghị quyết của Trung ương mới ban hành được 1 tuần, chúng ta đã có hội nghị này để bàn thảo về 2 nội dung quan trọng của nghị quyết, đó là: dự thảo chiến lược quốc gia CMCN 4.0 và đề án chuyển đổi số quốc gia. Điều này thể hiện sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Ban KTTW, Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị” - Phó Thủ tướng khen ngợi.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, cuộc CMCN 4.0 có những yếu tố khó lường, đòi hỏi con người phải sẵn sàng tận dụng thời cơ, tránh được rủi ro, có các giải pháp linh hoạt, thích ứng với những thay đổi mà ngày hôm nay chưa dự báo được.

Theo đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của con người để sẵn sàng tận dụng thời cơ, có các giải pháp linh hoạt thích ứng với những thay đổi mà ngày hôm nay chưa dự báo được để tránh được rủi ro.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ trong ngành Giáo dục để chuẩn bị cho CMCN 4.0, chúng ta không chỉ đưa các môn học liên quan nhiều đến khoa học, công nghệ mà cần bắt đầu từ những điểm căn bản nhất, thậm chí tưởng rằng không liên quan đến CMCN 4.0, đó là giáo dục cho người dân ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

“Nếu chúng ta không quyết liệt thì tỷ lệ tái mù chữ, trẻ em bỏ học, người lớn không được đào tạo căn bản về nghề nghiệp ở khu vực miền núi sẽ ngày càng tăng. Đây là điểm phải được nhận diện và giải quyết. Bản chất của cuộc CMCN 4.0 là không để ai bị bỏ lại phía sau” - Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học nhằm xây dựng môi trường nghiên cứu, học thuật, sáng tạo để đại học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, mà còn là nơi sáng tạo ra tri thức mới. Qua đó, đóng góp mạnh mẽ, hiệu quả vào hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, trong cuộc CMCN 4.0, vai trò chủ đạo và tiên phong là của doanh nghiệp. “Một đặc trưng của cuộc CMCN 4.0 là kết nối, hợp tác. Vì vậy phải tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ với nhau; giữa Chính phủ với doanh nghiệp, người dân; giữa người dân với nhau; giữa trong nước với ngoài nước. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này. Chúng ta không chỉ giải quyết những “bài toán” của riêng mình mà còn có trách nhiệm trước những vấn đề chung của thế giới” - Phó Thủ tướng nói.

Vân Hà