Giảm hàng trăm nghìn bộ hồ sơ phải kiểm tra

Để xây dựng và giao các chỉ tiêu về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023, Tổng cục Hải quan đã rà soát việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan để từ đó xây dựng các chỉ tiêu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại. Các chỉ tiêu được xây dựng cụ thể để các đơn vị nỗ lực phấn đấu đạt được các mục tiêu.

Theo ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), trong các chỉ tiêu được đặt ra, việc cắt giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng năm 2023 là một trong những nhiệm vụ trọng yếu để hỗ trợ hoàn thành cắt giảm thời gian thông quan, giải phóng hàng và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Tính toán trên số liệu tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 cho thấy, nếu giảm được 5% tỷ lệ các lô hàng tờ khai luồng đỏ thì sẽ giảm tương ứng khoảng 31.000 tờ khai phải kiểm tra thực tế hàng hóa. Qua đó giảm gần 20.000 giờ công lao động cho công chức hải quan. Nếu giảm 10% tỷ lệ lô hàng luồng vàng sẽ cắt giảm khoảng 440.000 bộ hồ sơ hải quan phải thực hiện kiểm tra hải quan và giảm gần 100.000 giờ công lao động cho công chức hải quan. Bởi vậy, nếu nhiệm vụ này được triển khai thành công sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cả cơ quan quản lý.

Công chức Hải quan Hải Phòng kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: Bình Hà
Công chức Hải quan Hải Phòng kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: Bình Hà

Khi xây dựng các chỉ tiêu, Tổng cục Hải quan đã phân tích, đánh giá các yếu tố dựa trên đặc thù công tác quản lý hải quan từng địa bàn. Cụ thể, các địa bàn có lưu lượng hàng hóa lớn thì tỷ lệ hàng hóa kinh doanh, cũng như tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra hải quan sẽ cao hơn, các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện sẽ nhiều hơn.

Với các đơn vị hải quan ngoài cửa khẩu, trong nội địa chủ yếu hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, thì việc khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn được ưu tiên hơn, do vậy tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra hải quan sẽ thấp hơn. Trong quá trình rà soát xây dựng các chỉ tiêu, Tổng cục Hải quan đã rà soát, đảm bảo cân đối các chỉ tiêu của các đơn vị trong toàn ngành để các đơn vị có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đại diện Tổng cục Hải quan nhận định, qua rà soát cho thấy, dư địa để thực hiện giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra hải quan hoàn toàn có thể thực hiện được, dựa trên phân tích, đánh giá các yếu tố liên quan. Cụ thể là rà soát lại các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan liên quan đến tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu để từ đó bãi bỏ, điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cho phù hợp từng giai đoạn.

Cần có sự tham gia phối hợp

Để triển khai hiệu quả các chỉ tiêu đã đề ra, cũng như hài hòa đặc thù các địa bàn, ngay sau khi ban hành Quyết định 123/QĐ-TCHQ, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc trong toàn ngành, đặc biệt là các đơn vị được giao chủ trì tổ chức triển khai trong việc xây dựng kế hoạch, giải pháp, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Thời gian thông quan hàng xuất nhập khẩu giảm

Theo Tổng cục Hải quan, căn cứ kết quả tính toán sơ bộ các khoảng thời gian chính, tổng thời gian từ khi hàng hóa đến cảng/cửa khẩu đến khi hàng ra khỏi cảng/cửa khẩu năm 2022 là 127 giờ 13 phút 20 giây, giảm gần 7 giờ so với năm 2021. Đáng chú ý, thời gian thông quan trung bình của cả hàng nhập khẩu và xuất khẩu đều giảm. Cụ thể, thời gian thông quan trung bình đối với hàng nhập khẩu năm 2022 là 36 giờ 14 phút 32 giây, giảm gần 19 phút so với năm 2021; thời gian thông quan trung bình đối với hàng xuất khẩu năm 2022 là 2 giờ 43 phút 9 giây, giảm hơn 17 phút so với năm 2021.

Bên cạnh đó, giám sát, theo dõi việc tổ chức thực hiện của các đơn vị phối hợp; trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, đơn vị chủ trì kịp thời đề xuất, báo cáo lãnh đạo tổng cục để hướng dẫn các đơn vị thống nhất thực hiện.

Đối với cục hải quan các tỉnh, thành phố, cục trưởng các đơn vị căn cứ các chỉ tiêu được giao chủ trì và các nội dung được giao phân công phối hợp với các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan chủ động phân bổ chỉ tiêu thực hiện cụ thể đến các đơn vị thuộc và trực thuộc có liên quan, đồng thời xây dựng kế hoạch, giải pháp và hướng dẫn tổ chức thực hiện để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Với việc hoàn thành các chỉ tiêu cắt giảm tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, luồng vàng sẽ hỗ trợ cơ quan hải quan giảm thời gian tác nghiệp của công chức, giảm thời gian thông quan, giải phóng hàng.

Tuy vậy, ông Đào Duy Tám cho rằng, để thực hiện được việc cắt giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra hải quan, cũng như giảm thời gian thông quan, giải phóng hàng thì ngoài cố gắng, nỗ lực của cơ quan hải quan trong thực hiện 10 chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan đã đề ra thì cần có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành, các bên có liên quan như: doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác trong triển khai, vận hành hiệu quả các hoạt động liên quan đến chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu hàng hóa.