cam nhap gia cam

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp khẩn cấp của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra vào chiều ngày 13/2/2014.

Chỉ đạo này được phát đi tại cuộc họp khẩn cấp của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra vào chiều ngày 13/2/2014, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta.

Cúm A/H7N9 áp sát biên giới

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện nước ta chưa phát hiện ca nhiễm cúm A/H7N9 nào trên gia cầm và người. Trong khi đó, tại Trung Quốc, tình hình dịch cúm A/H7N9 lại có những diễn biến phức tạp.

Kể từ ca nhiễm cúm A/H7N9 được phát hiện đầu tiên vào 3/2013 đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 308 ca bệnh, trong đó 73 ca tử vong, trung bình cứ 4 người mắc bệnh thì có 1 người tử vong. Tại, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã phát hiện 3 ca nhiễm cúm H7N9 - đây cũng là tỉnh giáp ranh với 4 tỉnh biên giới phía Bắc của nước ta.

Tại các chợ gia cầm thuộc Trung Quốc, tỷ lệ mẫu gà phát hiện dương tính với vi-rút cúm A/H7N9 nhiều hơn các loài khác, đồng thời nhiều mẫu môi trường cũng phát hiện thấy vi rút này. Ngoài ra một lượng nhỏ mẫu vịt, chim bồ câu bán tại chợ gia cầm ở nước này cũng cho kết quả dương tính với vi-rút cúm A/H7N9.

Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều gà thải được vận chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam, đưa vào tỉnh Quảng Tây và Vân Nam giáp với Việt Nam. Hiện, các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật và sản phẩm động vật qua biên giới vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.

Trước diễn biến này, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông nhận định, nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam thời gian tới là rất cao, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán tiêu thụ gia cầm sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng, vi rút cúm A/H7N9 rất nguy hiểm, các tổ chức quốc tế đã có cảnh báo sự khác biệt chính là tồn tại trên gia cầm, nuôi hoang dã và cả trong môi trường. Hầu hết gia cầm nhiễm không có triệu chứng lâm sàng, không chết nên chỉ biết có nhiễm thông qua xét nghiệm. Nếu tích lũy nhiều sẽ lây sang người, như vậy là rất nguy hiểm.

Chia sẻ với Việt Nam, Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) đã đưa ra nhận định, Việt Nam, Lào và Myanmar là những nước có nguy cơ lây nhiễm cao vi rút cúm H7N9 từ Trung Quốc. Do đó, cần thiết phải xây dựng kế hoạch chủ động nhằm phát hiện và ứng phó với vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm tại Việt Nam.

Quyết liệt ngăn chặn

Trước nguy cơ dịch cúm A/H7N9 có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã đưa ra bản dự thảo kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người.

Theo đó, 4 tình huống cụ thể đã được đưa ra, trong đó đáng chú ý là tình huống 1 (chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người). Mục tiêu của tình huống này là giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm vi rút cúm A/H7N9 vào Việt Nam, đồng thời phát hiện kịp thời nếu vi rút xâm nhập vào nước ta.

Với các tình huống này, ông Phạm Văn Đông cho rằng, sẽ kiểm soát việc buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm bên cạnh việc kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Song song với đó là triển khai việc lấy mẫu giám sát trên gia cầm được buôn bán tại chợ, các điểm thu gom, tập kết gia cầm và các mẫu môi trường thuộc địa bàn có nguy cơ cao như các tỉnh biên giới phía Bắc, các địa phương có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, ngay ngày mai sẽ có báo cáo Thủ tưởng Chính phủ về kế hoạch và xin y kiến Thủ tướng về kế hoạch này, sau đó sẽ triển khai tới các địa phương.

Mục tiêu là không để dịch cúm xâm nhập vào Việt Nam cũng như các loại nguy hiểm khác. Ông cũng cho rằng cần phải nỗ lực cao ngăn chặn, bám sát diễn biến thực tế để có biện pháp cụ thể. Kinh nghiệm phòng chống dịch cho thấy công tác tác tuyên truyền là yếu tố quyết định, để mỗi người dân hiểu được việc phòng chống để giảm nguy cơ là cần thiết.

Bên cạnh đó, phải ngăn chặn bằng được xâm nhập của vi rút cúm A/H7N9 thông qua việc buôn bán vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ biên giới.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh giám sát thông qua việc lấy mẫu và xét nghiệm trên gia cầm tại những vùng nguy cơ cao. Hiện tại Bộ NN&PTNT đã cử 18 cán bộ, chia thành 9 đoàn đến các tỉnh biên giới để kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Tại 60 chợ ở vùng biên, mỗi tuần những cán bộ này sẽ lấy mẫu gia cầm 2 lần, phân tích để kiểm tra xem có bị nhiễm vi rút hay không.

Song song với các biện pháp đó, Bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn bán gia cầm qua biên giới.

4 kịch bản ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người:

Tình huống 1: Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và người.

Tình huống 2: Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường nhưng có người mắc bệnh.

Tình huống 3: Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường nhưng chưa có người mắc bệnh.

Tình huống 4: Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh.

Thúy Nga