PV: Thưa ông, Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa trải qua một quý đầu năm với nhiều biến động khá lớn trước tác động tiêu cực của các thông tin kinh tế vĩ mô quốc tế lẫn trong nước. Ông có thể cho biết đánh giá của mình về diễn biến TTCK trong nước từ đầu năm tới nay?

ông Đỗ Bảo Ngọc
ông Đỗ Bảo Ngọc

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Kết thúc quý I/2023, VN-Index đóng cửa ở mức 1.064,64 điểm, tăng +5,7% so với mức đóng cửa năm 2022 (1.007,09 điểm). Chỉ số chính của thị trường nhìn chung biến động trong biên độ hẹp 1.015 – 1.119 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức trung bình thấp.

Nhìn một cách tổng thể, diễn biến TTCK Việt Nam trong quý đầu năm có thể ghi nhận ở mức tích cực khi VN-Index không giảm qua các vùng hỗ trợ mạnh quanh mốc 1.000 điểm, bất chấp tình hình kinh tế, tài chính toàn cầu diễn biến phức tạp, cũng như hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu đối mặt với nhiều rủi ro khi đã có những ngân hàng phá sản.

PV: Mặc dù chưa thể khẳng định chắc chắn, tuy nhiên có vẻ như nhiều yếu tố khó khăn nhất đã cho thấy dấu hiệu đạt đỉnh và dần thoái trào. Theo đánh giá của ông, các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu và Việt Nam liệu có thuận lợi hơn cho TTCK trong nước những tháng tới hay không? Vì sao?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Giai đoạn vừa qua nền kinh tế Việt Nam và thế giới đã trải qua những thời điểm khó khăn, nhưng biến động trên các thị trường tài chính cũng không quá tệ như lo ngại của nhiều tổ chức có dự báo trước đó.

Thị trường chứng khoán vẫn có nhiều cơ hội sẽ phục hồi ổn định hơn trong thời gian tới. Ảnh: DUY DŨNG
Thị trường chứng khoán vẫn có nhiều cơ hội sẽ phục hồi ổn định hơn trong thời gian tới. Ảnh: Duy Dũng

Mặc dù vậy, những ảnh hưởng tiêu cực của chính sách tiền tệ thắt chặt với nền lãi suất cao trên thế giới và Việt Nam có thể chưa phản ánh hết vào các nền kinh tế. Theo số liệu vĩ mô quý I/2023 mới công bố, chúng ta đã nhìn thấy rõ sự chậm lại đáng kể của tăng trưởng kinh tế, các chỉ tiêu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu, FDI… đều thấp đáng kể so với các giai đoạn trước. Thực tế này rất có thể còn được phản ánh vào kết quả kinh doanh quý I/2023 của doanh nghiệp niêm yết, với nhiều công ty có thể suy giảm doanh thu, lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

Ở hiện tại nhìn sang quý II/2023, tôi thấy còn nhiều thách thức như: Mặt bằng lãi suất cho vay vẫn cao. Giá trị trái phiếu đáo hạn sắp tới cũng lớn và dư nợ cho vay bất động sản vẫn là một áp lực cho nền kinh tế, mặc dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ nền kinh tế… Chính vì vậy, những yếu tố đó vẫn có những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và có thể còn được thể hiện rõ nét hơn trong thời gian tới.

Cá nhân tôi kỳ vọng, kể từ quý III trở đi, những tín hiệu khó khăn tạo đáy và tín hiệu tích cực tăng dần lên của nền kinh tế sẽ được thể hiện rõ nét hơn giai đoạn hiện nay.

PV: Một dấu hiệu đang được rất nhiều người kỳ vọng đó là sự đảo chiều của chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Với Việt Nam, NHNN cũng đã cho thấy sự chủ động và tiến hành hạ lãi suất điều hành. Nhiều người cho rằng, đây là dấu hiệu cho TTCK hồi phục rõ nét hơn. Ông thì suy nghĩ thế nào?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Trên thế giới, quá trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn chưa kết thúc. Có thể các ngân hàng này sẽ còn duy trì nền lãi suất cao trong một thời gian ít nhất là 1 - 2 quý tới.

Chính vì vậy, quá trình giảm lãi suất tại Việt Nam cũng khó mà diễn ra nhanh và liên tục trong thời gian tới vì rủi ro mất giá tiền Đồng, lạm phát cao, dòng vốn trực tiếp, gián tiếp (FDI, FII) sụt giảm…

Ở giai đoạn đầu quý II này, khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành những chính sách mới hỗ trợ nền kinh tế, diễn biến TTCK có tích cực hơn trong ngắn hạn. Nhưng về trung hạn, thị trường vẫn đối mặt với những hạn chế về dòng tiền để có thể tạo ra xu hướng tăng trưởng dài hạn.

PV: Có rất nhiều yếu tố có thể tác động đến thị trường, nhưng quan trọng nhất vẫn chính là dòng tiền tham gia, đặc biệt là vai trò của dòng tiền nội vẫn là yếu tố quyết định. Ông dự báo thế nào về dòng tiền vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới, trong bối cảnh thanh khoản cho thấy sự suy giảm trong quý đầu năm? Đâu là các điểm then chốt để có thể kích thích dòng tiền trở lại?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Tôi cho rằng, dòng tiền luôn dịch chuyển một cách thông minh trong nền kinh tế trước những tín hiệu của kinh tế vĩ mô, định hướng chính sách và sức khoẻ doanh nghiệp. Khi những yếu tố rủi ro của nền kinh tế toàn cầu như: lạm phát, suy thoái, lãi suất… hình thành xu hướng giảm rõ và giảm đủ lớn, chắc chắc sẽ tác động tới sự dịch chuyển của dòng tiền lớn trong nền kinh tế. Những rủi ro cũng cần được chiết khấu vào thị trường chung, tạo ra nền định giá hấp dẫn cũng là yếu tố khiến dòng tiền có thể mạnh mẽ trở lại TTCK.

Với kinh tế Việt Nam, chính sách tiền tệ của NHNN là rất quan trọng. Mặc dù vậy, những bước đi thận trọng của chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn là một rào cản lớn trong quá trình nới lỏng chính sách của NHNN Việt Nam.

Cùng với đó, tôi cho rằng, vấn đề thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản vẫn là một thách thức của hệ thống ngân hàng trong quá trình bơm vốn trở lại nền kinh tế. Sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nhu cầu tiêu dùng suy giảm cả trong nước và thị trường xuất khẩu vẫn là một hạn chế, thì dòng tiền trong nước vẫn có lý do để thận trọng.

PV: Xin cảm ơn ông!