Gói hỗ trợ tài khóa đã đi 2/3 chặng đường

Không chỉ riêng Việt Nam mà trong những năm gần đây, nhiều nền kinh tế trên thế giới đã nỗ lực cân bằng giữa tăng thu ngân sách và khuyến khích tăng trưởng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, cạnh tranh về vốn, lao động trên thế giới gia tăng, cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nước lần lượt đưa ra những chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư, tháo gỡ và giải quyết các vấn đề khó khăn trong phục hồi nền kinh tế, như cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN).

Tuy nhiên, trong điều kiện cán cân tài khóa thâm hụt ở mức cao, kéo theo đó là sự gia tăng về gánh nặng nợ công, để đảm bảo được sự ổn định và bền vững ngân sách trong trung và dài hạn, Chính phủ nhiều nước đưa ra những giải pháp tăng thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đề bù đắp sự hụt giảm nguồn thu từ những điều chỉnh trên.

Doanh nghiệp là một trong những đối tượng được ưu tiên hỗ trợ để phục hồi và phát triển.
Doanh nghiệp là một trong những đối tượng được ưu tiên hỗ trợ để phục hồi và phát triển.

Đối với Việt Nam, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đi được nửa chặng đường, các chính sách tiếp tục được thực hiện trong năm 2023. Theo thống kê của Bộ Tài chính, các chính sách gia hạn thuế, quy mô dự kiến khi xây dựng chính sách là 135 nghìn tỷ đồng, tính đến hết tháng 11/2022, đã gia hạn các loại thuế ước khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 78,4% số dự kiến). Các chính sách miễn, giảm thuế thuộc chương trình phục hồi, quy mô dự kiến khi xây dựng các chính sách là 64 nghìn tỷ đồng. Tính đến hết tháng 11/2022, ước số đã miễn, giảm khoảng 47,8 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 74,7% số dự kiến. Như vậy chỉ còn 1/3 gói hỗ trợ về tài khóa của chương trình phục hồi sẽ thực hiện trong năm 2023.

Vậy khi hết các chương trình hỗ trợ về thuế, phí, liệu doanh nghiệp có cần ”tiếp sức” nữa hay không cũng là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ. Dù rằng, doanh nghiệp được hỗ trợ để lấy đà phục hồi lại sản xuất kinh doanh, phát triển trở lại là cần thiết, nhưng mọi chương trình ưu đãi đều có thời hạn. Việc ưu đãi cũng phải tính đến các cân đối giữa thu - chi ngân sách, không thể thực hiện tràn lan, nhất là trong điều kiện thu ngân sách ngày càng khó khăn, nhiều khoản thu dần thu hẹp lại.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ

Tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam do Quốc hội tổ chức vào trung tuần tháng 9, một số chuyên gia của tổ chức quốc tế cũng đã khuyến nghị Việt Nam nên sử dụng chính sách tài khóa an toàn trong năm 2023.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng, cần nhận diện thách thức, rủi ro bên ngoài kỹ hơn, trong đó có rủi ro về tài chính và tài khoá đang gia tăng rất nhanh. "Chúng ta phải nhận diện chính xác hơn những rủi ro bên ngoài, vì trong năm tới chúng ta sẽ khó khăn hơn và vì thế tăng trưởng sẽ chậm lại, lạm phát cao hơn" - TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Theo đó, vị chuyên gia này đề xuất, cần đánh giá kỹ những tác động từ bên ngoài lẫn nội tại bên trong đối với chính sách tài chính ngân sách, tài khóa để giảm thiểu tác động và tận dụng cơ hội mới; đồng thời tính toán dư địa chính sách tài khóa năm tới. "Dư địa chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi, hỗ trợ tăng trưởng trong năm tới sẽ như thế nào? Tôi cho rằng, đâu đó vẫn còn, nhưng chúng ta phải tính toán ở mức độ kỹ hơn và tốt hơn" - TS. Cấn Văn Lực nói.

Chỉ còn 1/3 gói hỗ trợ về tài khóa

Tính đến hết tháng 11/2022, ước số đã miễn, giảm khoảng 47,8 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 74,7% số dự kiến. Như vậy chỉ còn 1/3 gói hỗ trợ về tài khóa của chương trình phục hồi sẽ thực hiện trong năm 2023.

Ở góc độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Thị Mùi cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Theo bà Nguyễn Thị Mùi, những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023, dự báo kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, tiềm ẩn rủi ro của hệ thống tài chính, ngân hàng là rất lớn.

Nhiều nước vẫn ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, vì thế chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ vẫn có xu hướng thắt chặt, lãi suất điều hành sẽ tiếp tục điều chỉnh theo hướng tăng. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên kinh tế, tài chính, tiền tệ, xuất nhập khẩu... chịu tác động lớn từ bên ngoài. Vì vậy, Chính phủ vẫn coi ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi kinh tế là mục tiêu cần phải đạt được.

Dù vậy, trong thời gian tới, Chính phủ vẫn ưu tiên các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. “Năm 2023, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức, trong khi cần tiếp tục giãn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023 cần thận trọng, chắc chắn, khả thi để bảo đảm kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ chính phủ trong ngưỡng an toàn” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy, trong báo cáo trước khi trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội kỳ họp vừa qua.

Linh hoạt chính sách tài khóa đối phó với mọi thách thức

Trong chiến lược tài chính đến năm 2030 (Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022) đã đưa ra mục tiêu: "Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại, hội nhập, góp phần thúc đầy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia". Như vậy để xây dựng một nền tài chính quốc gia bền vững, thì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát là vấn đề rất quan trọng.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thì chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải rất được chú trọng trong điều hành, cũng như phối hợp nó với các chính sách kinh tế khác. Chính sách tài khóa theo hướng linh hoạt trong ngắn hạn, trong trung hạn, cần có lộ trình để không bị triệt tiêu hay thu hẹp đầu tư tư nhân; đẩy nhanh cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nươc (NSNN). Trong điều kiện nguồn thu ngân sách còn hạn chế, nguồn dự trữ rất mỏng, trong khi nhu cầu chi luôn ở mức cao, nên ngân sách luôn bội chi. Thâm hụt NSNN lớn và kéo dài, dẫn đến tài chính chính phủ thiếu ổn định, thiếu tính bền vững của ngân sách, thì rủi ro cho nền tài chính quốc gia và đối với thị trường tài chính là rất lớn; kinh tế vĩ mô khó ổn định.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, trong bối cảnh khó khăn, chính sách tài khóa đã được điều chỉnh linh hoạt cả về thu, chi NSNN nhằm đối phó hiệu quả với các thách thức, giúp nền kinh tế vượt qua tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, từng bước phục hồi và phát triển, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, chính sách tài khóa đã góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển sản xuất - kinh doanh. Riêng việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn có thời hạn thuế, phí, lệ phí và một số khoản thu ngân sách trong năm 2022 đã lên tới hơn 2% GDP.

Tuy nhiên, thách thức trong thời gian tới là rất lớn. Với một nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam, bất kỳ biến động, thay đổi về môi trường bên ngoài đều có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, bản thân nền kinh tế cũng phải đối mặt với những vấn đề tồn tại như tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, hạ tầng còn yếu, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, thu NSNN còn chưa bền vững, giải ngân vốn đầu tư chậm trễ và gần đây có những biến động tiêu cực trên thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng thương mại làm ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo một số chuyên gia kinh tế, trong năm 2023, trước mắt cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi thuế đã ban hành, tổng kết thực tiễn và có sự điều chỉnh khi cần thiết.