Triển khai chính sách tài khóa linh hoạt, chủ động và có trọng tâm
Đối với người tiêu dùng, việc giảm 2% GTGT dù không quá lớn trên từng mặt hàng nhưng khi cộng dồn sẽ giúp giảm chi phí mua sắm tổng thể.

PV: Bà có bình luận gì về chính sách tài khóa được thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2025 tại Việt Nam?

Triển khai chính sách tài khóa linh hoạt, chủ động và có trọng tâm

TS. Hà Thị Cẩm Vân: Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như tăng trưởng chậm tại các nền kinh tế phát triển, căng thẳng địa chính trị, lãi suất cao kéo dài và xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đã nổi lên như một điểm sáng tại khu vực châu Á. GDP quý I tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, sang quý II, tốc độ tăng trưởng ước tính đạt 7,6%, đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên khoảng 7,3%.

Để đạt được kết quả ấn tượng này, không thể phủ nhận vai trò rõ nét của chính sách tài khóa mở rộng được Chính phủ áp dụng triệt để nhằm tạo động lực cho nền kinh tế, thông qua đầu tư công và chính sách thuế để tác động vào tiêu dùng và đầu tư, từ đó tác động đến tổng cầu và tăng trưởng kinh tế.

PV: Bà có thể phân tích rõ hơn về vai trò của chính sách tài khóa khi Bộ Tài chính duy trì hàng loạt chính sách miễn, giảm thuế, phí, cũng như Chính phủ quyết liệt thúc đẩy đầu tư công?

TS. Hà Thị Cẩm Vân: Trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng thông qua việc tăng cường đầu tư công, với tổng vốn dự kiến đạt 875 nghìn tỷ đồng năm 2025, tăng 37,7% so với vốn đầu tư công giải ngân năm 2024. Đây là một động thái quan trọng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động. Chính sách này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc sử dụng nguồn lực nhà nước để tạo động lực phát triển. Việc phân bổ hơn 80% vốn đầu tư công cho cải thiện mạng lưới giao thông và hoạt động sản xuất, phân phối điện là một điểm nhấn quan trọng. Đầu tư vào hạ tầng giao thông sẽ giúp giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và kết nối các vùng kinh tế trọng điểm.

Việc giải ngân vốn đầu tư công quy mô lớn trực tiếp tạo ra việc làm, đặc biệt trong các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp phụ trợ. Điều này sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt ở những vùng có dự án đi qua, từ đó thúc đẩy sức mua và doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng, tức kích thích tiêu dùng nội địa.

Cùng với đó, dòng vốn này sẽ thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai nhanh chóng, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Các dự án giao thông mới sẽ mở ra những cơ hội phát triển cho các vùng đất mới, thu hút các khu công nghiệp, đô thị mới.

Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư công, chính sách tài khóa mở rộng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 còn được thể hiện rõ nét qua việc duy trì giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các doanh nghiệp, là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, thời gian giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% năm 2025 được áp dụng từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025 và tại kỳ họp Quốc hội ngày 26/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết tiếp tục mở rộng mặt hàng được giảm thuế và kéo dài thời gian giảm thuế GTGT gấp 3 lần so với những lần thực hiện trước, áp dụng từ 1/7/2025 đến hết 31/12/2026.

Tác động của chính sách giảm thuế GTGT 2% là đa chiều và có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế trực tiếp giúp giảm gánh nặng chi phí đầu vào và tăng khả năng cạnh tranh về giá sản phẩm, dịch vụ. Điều này đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm số lượng lớn và đóng góp quan trọng vào GDP, giúp họ có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh và mở rộng đầu tư. Khi chi phí được tối ưu, doanh nghiệp có thể cải thiện biên lợi nhuận, hoặc chuyển một phần lợi ích sang người tiêu dùng thông qua việc giữ ổn định hoặc giảm giá bán, từ đó kích thích nhu cầu.

Đối với người tiêu dùng, việc giảm 2% GTGT dù không quá lớn trên từng mặt hàng nhưng khi cộng dồn sẽ giúp giảm chi phí mua sắm tổng thể. Điều này khuyến khích chi tiêu, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu và dịch vụ, qua đó thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng doanh thu cho các ngành sản xuất, thương mại. Sức mua gia tăng là yếu tố then chốt giúp thị trường nội địa sôi động hơn.

PV: Quan sát diễn biến của kinh tế Việt Nam cũng như tình hình thế giới hiện nay, bà có khuyến nghị gì cho chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như công tác phối hợp giữa hai chính sách này để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm 2025?

TS. Hà Thị Cẩm Vân: Đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025 trong bối cảnh quốc tế còn nhiều bất định là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần triển khai một chính sách tài khóa linh hoạt, chủ động và có trọng tâm, kết hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ thận trọng nhưng hỗ trợ tăng trưởng.

Cụ thể, cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là cho các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, cảng biển, logistics và năng lượng tái tạo. Việc này không chỉ tạo hiệu ứng lan tỏa tới các ngành sản xuất, xây dựng, vận tải mà còn giúp kích cầu nội địa, tạo việc làm, góp phần giữ ổn định xã hội và cải thiện năng suất dài hạn.

Chính sách tài khóa nên tập trung hỗ trợ có mục tiêu, hướng vào các nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, và khu vực sản xuất - chế biến - chế tạo đang chịu ảnh hưởng bởi biến động quốc tế (sự bất ổn định về thuế quan từ các đối tác lớn).

Đồng thời, chính sách tiền tệ cần phối hợp nhịp nhàng, không siết chặt quá mức nhưng vẫn đảm bảo ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát kỳ vọng. Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất ổn định ở mức hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là với lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp công nghệ cao.

Cuối cùng, để đảm bảo tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao năng suất lao động và phát triển các ngành kinh tế xanh, chuyển đổi số, tạo động lực tăng trưởng mới. Đồng thời, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và thu hút FDI chất lượng cao cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong duy trì đà tăng trưởng và ổn định vĩ mô trong trung và dài hạn.

PV: Xin cảm ơn bà!

Đầu tư công tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút FDI

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, tính đến tháng 5/2025, tỉnh đã thu hút được trên 1,2 tỷ USD vốn đầu tư FDI, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2024. Sự gia tăng này được lý giải một phần bởi lợi thế kết nối giao thông đang được cải thiện, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực logistics, sản xuất chế biến và du lịch vào các khu công nghiệp mới dọc theo các tuyến đường này.