San lấp hồ ao, kè bờ, lấn sông bừa bãi ảnh hưởng đến nguồn nước

Việt Nam hiện có 108 lưu vực sông. Trong đó, có 9 hệ thống sông lớn gồm: Hồng - Thái Bình, Bằng Giang, Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và sông Cửu Long. Tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng 830 - 840 tỷ m3, trong đó chỉ có gần 40%, tương đương 310 - 320 tỷ m3 nước nội địa, còn lại đến từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có khoảng trên 20 đơn vị chứa nước chính phân bố trên toàn quốc, các tầng chứa nước có trữ lượng lớn chủ yếu gặp ở hai đồng bằng lớn là Bắc Bộ và Nam Bộ. Tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất được đánh giá khoảng 63 tỷ m3/năm. Nếu tính cả lượng nước từ bên ngoài chảy vào, Việt Nam có bình quân trên 9.000m3/người/năm. Tuy nhiên, nếu tính riêng nguồn nước nội địa, trung bình chỉ có khoảng 4.000m3/người/năm, so với trên thế giới, tổng nguồn cung cấp nước thường xuyên trung bình trên đầu người là 7.400m3.

Cấp thiết hoàn thiện hành lang pháp luật bảo vệ nguồn nước
Sẽ ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước. Ảnh: TL

Con số so sánh này cho thấy, Việt Nam cần phải sớm nâng cao năng lực để quản trị tổng thể tài nguyên nước quốc gia. Vì vậy, hệ thống quản trị tài nguyên nước tiên tiến cần phải sớm được thiết lập nhằm quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước.

Để góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đôn đốc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; danh mục nguồn nước nội tỉnh và danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ phục vụ công tác lập quy hoạch cấp tỉnh.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ có 42/63 tỉnh, thành phố đã công bố danh mục nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ và chỉ có 12/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện nay, vấn đề đảm bảo an ninh tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước đang được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, tuy nhiên ở một số địa phương, công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được quan tâm, chú trọng, đặc biệt là trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh.

Sẽ ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước

Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, trên thế giới đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm quản trị tài nguyên nước hiệu quả. Trong đó, có hai giải pháp là kỹ thuật và quản lý. Thực chất, việc đưa ra quyết định, phương hướng, chiến lược trong quản trị tài nguyên nước đều được thực hiện trên cơ sở các dữ liệu thu thập được.

Những lợi ích do ứng dụng quản trị nước thông minh không chỉ có lợi ích cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng. Theo đó, Nhà nước cần xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp, hướng dẫn thực hiện và có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng quản trị nước thông minh, như điều tiết trong khung giá nước, khuyến khích hỗ trợ giá khi nâng cao chất lượng dịch vụ...

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tình trạng san, lấp hồ ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Ngoài việc gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa dẫn đến việc các nguồn nước ngày càng bị suy thoái, cạn kiệt, giảm khả năng cấp nước cho dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, gia tăng tình trạng ngập, úng, giảm khả năng trữ nước mưa..., ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch...

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định về quản lý nước trong Luật Tài nguyên nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Đồng thời, cơ chế này sẽ khuyến khích các đơn vị cấp nước chủ động, sáng tạo, ứng dụng các mô hình quản trị thông minh phù hợp trong thời gian tới, các giải pháp cấp thoát nước thông minh, ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cho phép nâng cao chất lượng dịch vụ cấp thoát nước với chi phí hợp lý và giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững, đồng thời, góp phần đảm bảo an toàn cấp nước, an ninh nguồn nước và phát triển an sinh xã hội.

Ngoài ra, luật cũng ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước; đầu tư và xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, ô nhiễm nguồn nước, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra; áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến trong khai thác, sử dụng nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng; tích trữ nước mưa để sử dụng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước./.