DTC

(Ảnh minh họa)

Luật hoá quản lý vốn đầu tư phát triển

Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) đã được trình Quốc hội ngay trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 8 và sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều nay, ngày 29/10.

Trong các nội dung được quy định của dự thảo, chi đầu tư phát triển là một nội dung chi quan trọng của NSNN. Luật NSNN hiện hành chưa quy định đầy đủ về quản lý vốn đầu tư phát triển (lập dự toán, phân bổ vốn, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản), mà chủ yếu là quy định ở các văn bản dưới Luật (Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ), dẫn đến tính pháp lý không cao. Việc chấp hành các quy định có nơi, có chỗ còn chưa nghiêm, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư từ NSNN, ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương và an ninh tài chính quốc gia.

Luật Đầu tư công đã điều chỉnh việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến kết thúc đầu tư. Để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý NSNN, dự thảo Luật NSNN quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc về căn cứ lập dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản, các quy định về bố trí vốn, phân bổ, thanh toán và quyết toán vốn, quyết toán dự án đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành.

Trong đó, quy định kế hoạch đầu tư công từ nguồn NSNN trung hạn và hàng năm là một bộ phận của kế hoạch tài chính - NSNN trung hạn và dự toán NSNN hàng năm, bảo đảm việc bố trí vốn cho các công trình, dự án đầu tư tập trung, tránh dàn trải, đồng thời phù hợp với khả năng cân đối NSNN, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Hạn chế dàn trải, nợ đọng đầu tư XDCB

Về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) bổ sung thêm nhiệm vụ về xây dựng kế hoạch đầu tư công từ nguồn ngân sách cho phù hợp với Luật Đầu tư công. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách thuộc lĩnh vực phụ trách; lập phương án phân bổ ngân sách trung ương trong lĩnh vực phụ trách theo phân công của Chính phủ.

Đồng thời dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư phải tổ chức thực hiện đúng tiến độ, theo dự toán được giao; trách nhiệm của cơ quan phân bổ vốn; quyền hạn của Quốc hội trong việc quyết định dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản, cho chủ trương đầu tư đối với các dự án quan trọng quốc gia... Nội dung về quản lý vốn đầu tư được quy định ở nhiều Điều và nhiều Chương như khoản 10, khoản 11 và 12 của Điều 8; điểm b và điểm e khoản 2 Điều 12; Điều 32; điểm b khoản 2 Điều 41; điểm d khoản 2 Điều 48; khoản 2 Điều 54; Điều 55 và khoản 2 Điều 66.

Đây là những quy định khi thực thi sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, bất cập hiện hành trong lĩnh vực quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Việc bố trí vốn cho các công trình, dự án đầu tư tập trung hơn, trong phạm vi khả năng cân đối của NSNN, tránh tình trạng dàn trải, đảm bảo theo phân kỳ vốn của kế hoạch tài chính - NSNN trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn và cam kết bố trí dự toán chi ngân sách; hạn chế tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Hiện nay, phần lớn các nước trên thế giới đã giao quản lý vốn đầu tư và chi thường xuyên cho một cơ quan duy nhất (Bộ Tài chính) thực hiện. Trong thực tế, trước đây một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước thuộc Châu Phi và Trung Đông áp dụng mô hình hai cơ quan quản lý vốn đầu tư và thường xuyên tách rời nhau, tuy nhiên hiện nay các nước này đã hợp nhất về một cơ quan quản lý duy nhất.

Việc tách rời hai cơ quan quản lý vốn đầu tư và thường xuyên gây khó khăn trong việc phối hợp bố trí vốn cân đối giữa đầu tư và thường xuyên, cũng như tạo sự cắt khúc trong quá trình quản lý vốn đầu tư từ ngân sách (lập, chấp hành, kế toán và quyết toán ngân sách).

Chẳng hạn như tại Đức, trách nhiệm lập dự án, sắp xếp thứ tự ưu tiên thuộc Bộ chủ quản. Đầu năm, các bộ, ngành thông báo cho Bộ Tài chính nhu cầu của mình đăng ký cho năm ngân sách tiếp theo. Bộ Tài chính chủ trì phân bổ vốn đầu cùng với chi thường xuyên để tổng hợp báo cáo Chính phủ. Kế hoạch ngân sách được Chính phủ trình Nghị viện thông qua kèm đạo luật, đó là Đạo luật ngân sách (năm).

Hoàng Yến