Thông tư số 66/2025/TT-BTC vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành nhằm cụ thể hóa việc phân cấp thẩm quyền quản lý nội ngành.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đánh dấu một bước chuyển rõ rệt trong tư duy quản lý: từ tập trung sang phân cấp mạnh mẽ, trao quyền thực chất đi liền với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Tăng cường phân cấp, trao quyền rõ ràng trong quản lý nội ngành Bộ Tài chính
Thông tư số 66/2025/TT-BTC vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành nhằm cụ thể hóa việc phân cấp thẩm quyền quản lý nội ngành. Ảnh: TL

Rộng đường tự chủ cho các đơn vị trong ngành Tài chính

Theo quy định tại Thông tư 66, phạm vi điều chỉnh bao gồm các đơn vị dự toán cấp 2 thuộc Bộ Tài chính (trong đó có các cục loại 1 như Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Thống kê); các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc Bộ hoặc thuộc các cục loại 1 và cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực được phân cấp.

Một điểm đáng chú ý là sự phân định rõ ràng thẩm quyền của từng cấp trong hệ thống. Đơn vị dự toán cấp 2 (đơn vị được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao dự toán ngân sách nhưng không phải đơn vị sử dụng ngân sách) sẽ có thẩm quyền đáng kể trong phân bổ, giao và điều chỉnh dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc phạm vi quản lý.

Ngoài ra, Thông tư cũng cho phép thủ trưởng các đơn vị dự toán cấp 2 quyết định việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (trừ trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập này đã thuộc quyền quyết định của đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên).

Trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các đơn vị dự toán cấp 2 và đơn vị sử dụng ngân sách cũng được phân quyền quyết định phê duyệt các nhiệm vụ cấp cơ sở, bao gồm cả dự toán kinh phí thực hiện, phù hợp với tổ chức và hoạt động chuyên môn của từng đơn vị.

Rõ thẩm quyền, đảm bảo linh hoạt trong các lĩnh vực

Về quản lý đầu tư xây dựng, Thông tư quy định rõ thẩm quyền của Cục trưởng các Cục loại 1.

Cụ thể, các Cục trưởng được quyền quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương hoặc dừng dự án nhóm B, C sử dụng vốn đầu tư công từ nguồn thu hợp pháp của Cục.

Tăng cường phân cấp, trao quyền rõ ràng trong quản lý nội ngành Bộ Tài chính
Ảnh minh họa

Đồng thời, các Cục trưởng cũng có thẩm quyền quyết định đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư các dự án nhóm B, C. Đặc biệt, Cục trưởng được quyền phê duyệt nhiệm vụ và dự toán chi thường xuyên liên quan đến sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới hạng mục công trình trong phạm vi tổng dự toán không quá 20 tỷ đồng cho mỗi nhiệm vụ.

Việc phân quyền cụ thể này không chỉ giúp các đơn vị chủ động hơn trong triển khai đầu tư, mà còn góp phần giảm áp lực xử lý hành chính lên cấp Bộ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư.

Cùng với ngân sách và đầu tư xây dựng, Thông tư 66 còn mở rộng phân cấp sang lĩnh vực đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý tài sản công - hai lĩnh vực đang ngày càng có vai trò chiến lược trong hiện đại hóa nền tài chính quốc gia.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phân cấp sẽ tạo điều kiện để các đơn vị tự chủ động hơn trong quyết định đầu tư, triển khai các giải pháp ứng dụng phù hợp với đặc thù, yêu cầu quản trị nội ngành. Tương tự, với tài sản công, việc phân quyền sẽ giúp các đơn vị chủ động xử lý, sử dụng, điều chuyển tài sản hiệu quả hơn, gắn với các mục tiêu tiết kiệm, chống lãng phí.

Tăng cường giám sát, kiểm tra

Một trong những điểm nhấn quan trọng của Thông tư 66 là việc thiết lập cơ chế giám sát, kiểm tra song hành với phân cấp, đảm bảo thẩm quyền đi liền với trách nhiệm và tuân thủ pháp luật.

Cụ thể, việc giám sát thực hiện thẩm quyền được phân cấp và được tiến hành định kỳ theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các phương thức kiểm tra cũng rất đa dạng, từ tự kiểm tra nội bộ đến kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất, đặc biệt trong các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm như ngân sách, đầu tư, tài sản công, công nghệ thông tin.

Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm giải trình, xử lý khi có vi phạm. Các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định về phân cấp hoặc vi phạm pháp luật chuyên ngành sẽ phải giải trình với cấp quản lý, cơ quan thanh tra, kiểm toán, và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có), đồng thời bị xử lý theo quy định pháp luật tùy theo mức độ vi phạm.

Đáng chú ý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức dù không trực tiếp vi phạm nhưng để xảy ra tình trạng sai phạm trong thực hiện phân cấp cũng phải chịu trách nhiệm tương ứng./.