Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội

Ngày 6/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội, kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị

Kiểm điểm trách nhiệm nếu để văn bản chậm tiến độ, không đạt chất lượng

Báo cáo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, công tác tổ chức triển khai thi hành pháp luật và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian chỉ đạo sát sao, thường xuyên, trực tiếp và cụ thể.

Ngay khi kết thúc các kỳ họp của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành kế hoạch để triển khai thi hành; rà soát nội dung giao quy định chi tiết để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hội nghị hôm nay sẽ đánh giá về công tác triển khai đối với 52 luật, nghị quyết, bao gồm 23 luật, 29 nghị quyết, trong đó, có 15 luật, 21 nghị quyết được thông qua từ đầu nhiệm kỳ cho đến trước Kỳ họp thứ 5 và 8 luật, 8 nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Một số nghị quyết về nhân sự, về chương trình giám sát và thành lập đoàn giám sát chuyên đề sẽ không thuộc phạm vi của hội nghị này

Trên cơ sở kết quả các kỳ họp của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 6 ban hành quyết định về danh mục, phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết, trong đó có nội dung chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động rà soát, phân công chủ trì và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong soạn thảo, trình, ban hành văn bản.

Để khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết từ những kỳ báo cáo trước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để khắc phục tình trạng đó như chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, quán triệt nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế, nhắc nhở các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong từng phiên họp Chính phủ thường kỳ về tiến độ, chất lượng ban hành văn bản quy định chi tiết.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng thể chế, pháp luật ở các bộ, cơ quan ngang bộ; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hằng tháng có báo cáo gửi Chính phủ tại phiên họp thường kỳ về tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các dự án thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, UBTVQH; thống kê các dự án, dự thảo văn bản chậm tiến độ, không thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và chưa bảo đảm chất lượng, đề xuất biện pháp xử lý. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ để xảy ra tình trạng nói trên phải kiểm điểm trách nhiệm trước Chính phủ.

Về kết quả xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, Phó Thủ tướng cho biết từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 4, trên cơ sở phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ có nhiệm vụ trình hoặc ban hành theo thẩm quyền 50 văn bản để quy định chi tiết 20 luật, nghị quyết đã có hiệu lực. Kết quả, tính đến ngày 15/8/2023, số văn bản đã được ban hành là 37 văn bản, còn lại 11 văn bản chưa được ban hành. Trong số 37 văn bản được ban hành, có 9/37 văn bản được ban hành đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo của Chính phủ

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật

Về công tác kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản tiếp tục hoạt động có hiệu quả. Theo đó, tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo một số nhóm lĩnh vực và một số nội dung cụ thể liên quan đến một số luật theo tổng hợp tại Báo cáo số 282-BC/ĐĐQH15 ngày 21/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội. Ban cán sự đảng Chính phủ có báo cáo gửi Đảng đoàn Quốc hội về kết quả rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện nhằm kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số hạn chế, bất cập nhất định. Cụ thể như, một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết vẫn chưa được thực hiện triệt để. Vẫn còn văn bản nợ chưa được ban hành chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ. Một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở chưa phù hợp; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này còn chậm; một bộ phận báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế về kỹ năng, thiếu nguồn nhân lực chuyên biệt phổ biến, giáo dục pháp luật riêng cho đối tượng đặc thù như đồng bào dân tộc.

Đề ra giải pháp cho vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”. Các bộ, ngành thường xuyên, chủ động rà soát, đánh giá các quy định pháp luật, các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực quản lý; chủ động lập đề nghị xây dựng và tổ chức soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định./.