Chiều ngày 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Nhiều ưu đãi đầu tư không còn phù hợp thực tế

Theo tờ trình của Chính phủ, nhiều mỏ dầu khí ở trong nước hiện đã qua giai đoạn khai thác đỉnh cao đang trong đà suy giảm sản lượng nhanh. Các lô dầu khí mới mở có tiềm năng dầu khí hạn chế, trữ lượng nhỏ, thuộc vùng nước sâu, xa bờ hoặc có địa chất phức tạp, kết hợp với giá dầu biến động khó lường nên công tác kêu gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.

Qua tổng kết, đánh giá, Chính phủ cho biết Luật Dầu khí hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật mặc dù về cơ bản đảm bảo quyền và trách nhiệm của nước chủ nhà và nhà đầu tư, tiệm cận với thông lệ dầu khí quốc tế, tuy nhiên thời gian qua đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập.

Một trong số đó là các quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án dầu khí theo lô dầu khí (thông qua hợp đồng dầu khí) đã được ban hành từ lâu (năm 2005). Đến nay, một số tiêu chí không còn phù hợp với tình hình thực tế (nhất là những vùng nước sâu xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng - an ninh) và chưa có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án dầu khí theo lô, mỏ tận thu dầu khí, cận biên, phi truyền thống...

Chính phủ cho biết, hiện nay Việt Nam đang đứng trước một thực tế là số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết gần đây giảm mạnh (từ năm 2015 đến năm 2019 mỗi năm chỉ có 1 hợp đồng dầu khí được ký; năm 2020 và năm 2021 không có hợp đồng dầu khí nào được ký). Nguyên nhân khách quan là các phát hiện mới ở Việt Nam trong thời gian qua phần lớn có trữ lượng nhỏ, các diện tích mở còn lại đều được đánh giá có tiềm năng ở mức hạn chế, chủ yếu là khí, tập trung ở khu vực thuộc đối tượng của chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định của Luật Dầu khí. Bởi vậy, việc đánh giá đúng hiện trạng của các điều khoản kinh tế - thương mại của hợp đồng dầu khí và hệ thống các văn bản pháp lý so với các nước trong khu vực là hết sức cần thiết để xây dựng được chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực hoạt động dầu khí của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.

Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Nội dung của dự thảo Luật sẽ giải quyết 6 nhóm chính sách chính, trong đó có nhóm chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án dầu khí.

Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt (Luật chỉ nêu nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này hoặc giao Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể).

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tại phiên họp
Đề nghị dùng công nghệ tiên tiến nhất cho dự án lọc hóa dầu hơn 5 tỷ USD Bộ trưởng Bộ Công thương: Sẽ đề xuất nâng dự trữ xăng dầu quốc gia Petrovietnam: Chỉ tiêu khai thác dầu khí 'về đích' trước 39 ngày Các công trình, hoạt động dầu khí rộn ràng cán đích

Đề xuất thuế thu nhập doanh nghiệp 25% cho lô dầu khí được hưởng ưu đãi đặc biệt

Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, điểm mới trong dự thảo luật là mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% áp dụng đối với lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Nội dung này được đề xuất trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam. Cụ thể: mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%, Malaysia 25%, Trung Quốc 25%, Myanmar 30%; mức thu hồi chi phí (tối đa) của Malaysia là 75%, Indonesia 90%.

Đối với mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (25%) áp dụng cho hợp đồng dầu khí của lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, để có thể áp dụng được ngay sau khi Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực, tại Điều 54 dự thảo luật quy định việc sửa đổi khoản 2 Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12, theo đó: “Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí khí từ 25% đến 50% và tài nguyên quý hiếm khác từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh”.

Tại báo cáo thẩm tra, liên quan đến ưu đãi trong hoạt động dầu khí, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét, rà soát kỹ lưỡng các quy định về điều kiện để áp dụng ưu đãi, ưu đãi đặc biệt bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, khả thi; không quy định tại khoản 4 Điều 40 về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến mức thuế suất.

Nhất trí quy định tại dự thảo luật về sửa đổi quy định tương ứng của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung thuyết minh cụ thể hơn về mức độ đóng góp trở lại của các hoạt động này đối với nền kinh tế nếu được triển khai. Ngoài ra, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định về các hình thức, cơ chế ưu đãi đầu tư khác, nhất là trong bối cảnh thời gian tới nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng mức thuế suất tối thiểu thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu.

Sau khi các thành viên UBTVQH thảo luận, cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến tham gia của UBTVQH, để hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo hướng tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về định hướng phát triển của ngành dầu khí; đồng thời quy định rõ về hoạt động dầu khí, tăng cường phân công, phân cấp quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, đảm bảo hiệu lực, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực dầu khí; xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư nước ngoài phát triển ngành dầu khí trong nước; tạo điều kiện khai thác các dạng năng lượng mới trong lĩnh vực dầu khí.

Từ khi ra đời Luật Dầu khí năm 1993 đến hết năm 2020, số lượng hợp đồng dầu khí (PSC, PC, BCC) đã được ký là 108, bao phủ hầu hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, trong đó 51 hợp đồng đang có hiệu lực (21 hợp đồng trong giai đoạn khai thác dầu khí, 30 hợp đồng trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò/phát triển mỏ dầu khí). Đã có 112 phát hiện dầu khí mới với trữ lượng dầu khí tại chỗ đã phát hiện của các bể trầm tích Đệ Tam của Việt Nam khoảng 1,5 tỷ m3 quy dầu, trong đó dầu và condensate chiếm 49% và khí chiếm khoảng 51%.

Tổng chi phí đã đầu tư để thực hiện các cam kết về thăm dò khai thác dầu khí trong các hợp đồng dầu khí từ năm 2000 đến hết năm 2020 ước tính khoảng hơn 51 tỷ USD, trong đó phần đóng góp của các nhà thầu nước ngoài khoảng hơn 36 tỷ USD, chiếm 73% tổng chi phí đã thực hiện, phía Việt Nam đã đóng góp khoảng 15 tỷ USD, chiếm 27%. Các nhà đầu tư đã thu về khoảng hơn 30 tỷ USD chi phí đã đầu tư. Đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ m3 khí.