Lượng khí thải carbon từ nạn phá rừng nhiệt đới đã tăng lên gấp đôi

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Sustainability mới đây cho biết, lượng khí thải carbon từ nạn phá rừng nhiệt đới trong thế kỷ này cao hơn nhiều so với trước đây, tăng gấp đôi chỉ trong 2 thập kỷ và đang tiếp tục tăng tốc.

Các khu rừng trên thế giới tạo thành một kho lưu trữ carbon khổng lồ, chứa khoảng 861 gigatons carbon. Khi cây bị chặt, chúng sẽ giải phóng carbon tích trữ vào bầu khí quyển. Kể từ năm 2000, thế giới đã mất khoảng 10% độ che phủ của cây cối, điều này trở thành nguyên nhân chính gây ra sự nóng lên toàn cầu.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Bước ngoặt đối với nghề rừng cho các địa phương
Lượng carbon do nạn phá rừng nhiệt đới trong 2 thập kỷ qua đã tăng gấp đôi và tiếp tục tăng. Ảnh: TL

Nghiên cứu của Nature Sustainability cũng cho thấy, lượng carbon do nạn phá rừng nhiệt đới trong 2 thập kỷ qua đã tăng gấp đôi và tiếp tục tăng, phần lớn là do mở rộng biên giới nông nghiệp. Các nghiên cứu trái ngược với các đánh giá trước đây, chẳng hạn như ngân sách carbon toàn cầu năm 2021, vốn đã cho thấy sự giảm nhẹ lượng carbon từ nạn phá rừng.

Khi sử dụng dữ liệu vệ tinh có độ phân giải cao, các nhà nghiên cứu nhận thấy, Cộng hòa Dân chủ Congo, Indonesia và Brazil đã ghi nhận mức tăng tốc độ mất rừng lớn nhất từ ​​năm 2001 đến năm 2020.

Trong khi đó, Nam Mỹ chịu trách nhiệm về tổng lượng khí thải lớn nhất từ ​​hoạt động phát quang rừng Amazon và các hệ sinh thái rừng khác. Kết quả phân tích cho thấy, khoảng 1/5 hoạt động phát quang đất đai ở vùng nhiệt đới diễn ra ở các vùng miền núi, nơi có trữ lượng carbon tương đối cao, đặc biệt là ở châu Á.

“Nạn phá rừng và thất thoát carbon rừng đang gia tăng” - Giáo sư Dominick Spracklen của Trường Trái đất và Môi trường thuộc Đại học Leeds, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết. Sự gia tăng diễn ra mặc dù đã có các cam kết làm chậm nạn phá rừng, như Tuyên bố New York về Rừng năm 2014, nhằm giảm 50% tỷ lệ mất rừng vào năm 2020.

Tại Hội nghị COP26 ở năm ngoái ở Anh, một liên minh gồm 142 quốc gia - sở hữu 90% diện tích rừng trên thế giới đã cam kết ngăn chặn và khắc phục tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030.

Địa phương có thêm nguồn kinh phí bảo vệ rừng

Tại Việt Nam, để ứng phó với vấn nạn chặt phá rừng, những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) của Chính phủ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Nhờ có tiền DVMTR, người nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống; đơn vị chủ rừng và quản lý rừng có nguồn tái đầu tư cho phát triển rừng, phát triển hạ tầng.

Chính sách chi trả DVMTR giúp nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng từng bước được nâng cao. Cơ bản người dân đã có ý thức hơn trong thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng trên cơ sở hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mình. Qua đó giúp giảm đáng kể tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh về cả số vụ và mức độ thiệt hại.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thực hiện chi trả tiền DVMTR cho hơn 4.608 chủ rừng là tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân, có những hộ được số tiền cao nhất trong một năm lên đến 120 triệu đồng/năm.

Lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đánh giá, Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR là một bước ngoặt về chính sách đối với nghề rừng cho các địa phương có rừng. Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng giúp nâng cao năng lực bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, tính đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng.

​Bên cạnh đó, về khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội, chính sách chi trả DVMTR đã tạo động lực cho các bên liên quan tham gia bảo vệ phát triển rừng. Thông qua chính sách, đã tạo ra mối liên kết mang tính bền vững giữa người sử dụng và người cung ứng DVMTR. Các chủ rừng, người bảo vệ rừng hiểu được giá trị DVMTR, thấy được trách nhiệm và quyền lợi của việc cung ứng dịch vụ giúp cho người dân yên tâm gắn bó với rừng.

Theo đó, việc chi trả tiền DVMTR đã trực tiếp giúp nhiều địa phương có kinh phí để triển khai công tác bảo vệ rừng; các chủ rừng và các hộ nhận khoán rừng có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Các chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn và hộ nhận khoán bảo vệ rừng cũng được hưởng toàn bộ tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR vì vậy về cơ bản đã có những tác động tích cực đến công tác quản lý và bảo vệ rừng ở các khu vực, địa phương có cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh.

Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình nhận khoán và bảo vệ rừng, một số thôn bản đã họp bàn thống nhất sử dụng nguồn tiền DVMTR để đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội phục vụ lợi ích chung của thôn như: Làm mới và tu sửa đường giao thông nông thôn, xây dựng, tu sửa, làm mới công trình nhà văn hóa, trụ sở thôn, điểm trường. Tiền DVMTR mua cây giống trồng rừng và giúp cho người dân vay vốn hỗ trợ sản sản xuất phát triển kinh tế.

Có thể nhận thấy, chính sách chi trả DVMTR không những giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, mà còn góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với nghề rừng.

Từ những kết quả thực tiễn đã minh chứng cho thấy, cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, tiền DVMTR đã góp phần tạo công ăn, việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân gắn bó với rừng. Chính sách chi trả DVMTR có tác động rất lớn trong việc cải thiện đời sống của người dân, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ rừng, từ đó giúp ổn định an ninh, chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên./.