Chính sách hỗ trợ tài chính thông qua quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã ngày càng hoàn thiện
Chính sách hỗ trợ tài chính thông qua quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã ngày càng hoàn thiện. Ảnh: TL

Đồng bộ hóa chính sách, công cụ tài chính, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay từ quỹ

Theo đánh giá mới đây của Bộ Tài chính, việc thành lập và hoạt động của hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (quỹ HTX ) từ trung ương đến địa phương đã thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc hiện thực hóa chính sách phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện và động lực phát triển kinh tế hợp tác, nhất là trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay.

Theo báo cáo của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (quỹ HTX) Việt Nam, đến ngày 31/12/2022, cả nước có 56 quỹ HTX. Tính đến ngày 31/12/2022, đối với Quỹ HTX Việt Nam, tổng nguồn vốn hoạt động là 1.005 tỷ đồng, quỹ này đã thực hiện cho vay các hợp tác xã được 318 dự án đầu tư, tổng doanh số cho vay 981 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 436,2 tỷ đồng.

Đối với quỹ HTX ở địa phương, tổng nguồn vốn hoạt động của các quỹ là 2.262 tỷ đồng, trong đó, vốn điều lệ do ngân sách nhà nước địa phương cấp là 990 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 19.870 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 1.561 tỷ đồng cho 11.059 lượt hợp tác xã, 2.200 tổ hợp tác, 750.000 lượt thành viên hợp tác xã, trong đó khu vực nông nghiệp và nông thôn chiếm 68%, phi nông nghiệp chiếm 32%.

Bộ Tài chính cho biết, cơ chế chính sách hỗ trợ tài chính thông qua các quỹ HTX để phát triển kinh tế hợp tác xã ngày càng được nghiên cứu, hoàn thiện.

Theo đó, triển khai hướng dẫn thực hiện Luật Hợp tác xã 2003, Luật Hợp tác xã 2012 và các văn bản hướng dẫn liên quan, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27/10/2006 về tổ chức và hoạt động của quỹ HTX và Quyết định số 23/2017/QĐ-TTg ngày 22/6/2017 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg về tổ chức và hoạt động của quỹ HTX và hướng dẫn về chế độ quản lý tài chính, điều lệ tổ chức và hoạt động, lãi suất cho vay vốn đối với quỹ HTX và cử đại diện tham gia thành viên hội đồng quản lý quỹ.

Đặc biệt, đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2021/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ HTX sau gần 20 năm hình thành và phát triển các quỹ HTX.

"Đây là lần đầu tiên các quỹ HTX có cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ để triển khai trong toàn bộ hệ thống quỹ HTX từ trung ương đến địa phương, qua đó, đáp ứng nhu cầu về hỗ trợ tài chính của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, thành viên tổ hợp tác... Đồng thời, góp phần đồng bộ hóa chính sách, công cụ tài chính, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn vay từ quỹ, đẩy lùi nạn tín dụng đen trong xã hội" - Bộ Tài chính cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/03/2021 về thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ HTX (NĐ 45). Trong đó, tạo cơ sở pháp lý cho các quỹ HTX triển khai thực hiện cơ chế tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ, xếp loại, xử lý tài chính khi chuyển đổi mô hình hoạt động của quỹ HTX... đúng quy định của pháp luật.

Chính sách hỗ trợ tài chính thông qua quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã ngày càng hoàn thiện
Bộ Tài chính đã cấp đủ 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ cho quỹ HTX. Ảnh: TL

Tăng thêm nguồn lực tài chính hỗ trợ cho hợp tác xã

Đánh giá về tăng cường nguồn lực tài chính cho các quỹ HTX để tăng nguồn vốn cho vay các hợp tác xã, Bộ Tài chính cho hay, thời gian qua, Bộ đã cấp đủ 1.000 tỷ đồng (riêng trong năm 2021, năm 2022 cấp 496,03 tỷ đồng) vốn điều lệ cho quỹ HTX theo quy định tại NĐ 45, góp phần tăng thêm nguồn lực tài chính hỗ trợ cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, các quỹ HTX hiện còn một số tồn tại, hạn chế cần được tiếp tục hoàn thiện.

Cụ thể, cơ cấu tổ chức quản lý của quỹ HTX hiện nay chủ yếu là cán bộ liên minh hợp tác xã kiêm nhiệm, hiện đang trong quá trình thực hiện cơ cấu lại bộ máy của quỹ. Năng lực tài chính của quỹ HTX còn hạn chế, nguồn vốn hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước bố trí.

Chất lượng tín dụng của các quỹ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do chuyên môn của cán bộ nghiệp vụ còn yếu; các quỹ HTX đa số chưa ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý tài chính, đánh giá, thẩm định cho vay đối với các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động đối với quỹ HTX trong thời gian tới, theo Bộ Tài chính, trước tiên các quỹ HTX cần tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy trình, quy chế hoạt động nghiệp vụ cho vay; rà soát, tổ chức sắp xếp lại mô hình hoạt động của quỹ HTX, cơ cấu tổ chức, bộ máy của quỹ HTX, bổ sung vốn điều lệ tối thiểu (quỹ hợp tác xã địa phương), tăng cường huy động các nguồn lực tài chính ngoài nguồn vốn của Nhà nước theo quy định tại NĐ số 45.

Cùng với đó, các quỹ cũng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát các hoạt động tín dụng nhằm giảm thiểu những rủi ro phát sinh trong quá trình chuyển đổi số do đối tượng và lĩnh vực cho vay của quỹ mang tính chất đặc thù.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần phát huy vai trò đầu mối, tăng cường liên kết hệ thống giữa các quỹ HTXtừ trung ương đến địa phương để tăng khả năng huy động nguồn lực từ thị trường, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Bộ Tài chính kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hỗ trợ hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ, bổ sung vốn điều lệ cho quỹ HTX để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Các quỹ HTX chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số trong quản lý, quản trị các hoạt động của quỹ về tài chính, nhân sự...để nâng cao hiệu quả hoạt động. Các cơ quan từ trung ương đến địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các quỹ HTX...

Mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX hiện nay được quy định theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Đối với Quỹ hợp tác xã Việt Nam: Quỹ hợp tác xã Việt Nam là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cơ cấu tổ chức gồm: chủ tịch quỹ, kiểm soát viên, ban điều hành quỹ (gồm tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc); quỹ hoạt động độc lập. Đối với quỹ hợp tác xã địa phương: quỹ được lựa chọn hoạt động theo một trong hai mô hình, mô hình công ty hoặc mô hình hợp tác xã.