Điều hành ngân sách chặt chẽ, linh hoạt, tiết kiệm

Trên thực tế, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế - xã hội, tạo sức ép rất lớn đến cân đối thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN). Thu NSNN giảm do kinh tế khó khăn và thực hiện các chính sách ưu đãi miễn, giảm; trong khi nhu cầu tăng chi lớn. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp điều hành NSNN chặt chẽ, linh hoạt, tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân.

Nguồn: Nghị quyết số 34/2021/QH15 Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Nghị quyết số 34/2021/QH15 Đồ họa: Hồng Vân

Về thu NSNN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt quản lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện, quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng về tài khóa, tiền tệ như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... tạo thêm nguồn thu cho NSNN. Thu NSNN đạt mức cao hơn so với đánh giá báo cáo Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 2 (tháng 10, 11/2021), với tổng số thu NSNN năm 2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% (219,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020.

Về chi NSNN, để chủ động ưu tiên cân đối nguồn cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện cắt giảm, tiết kiệm triệt để nhiều khoản chi, trong đó có chi thường xuyên; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, các địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng, dự trữ và nguồn lực hợp pháp khác (gồm tiền lương còn dư) để chi phòng, chống dịch Covid-19.

Tài khóa nới lỏng quyết định kết quả phục hồi kinh tế

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, chính sách tài khóa nới lỏng mạnh mẽ trong năm 2022 sẽ là trụ cột thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội. Chính sách tài khóa phải phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ, tuy nhiên chính sách tài khóa cũng sẽ phải nới lỏng song song với chính sách tài khóa nhưng mức độ và thời điểm thời gian sẽ linh hoạt, bám sát hơn vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 4-5% và lạm phát cơ bản khoảng 2%.

Hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp nhanh chóng hưởng lợi

Trong quá trình xây dựng các giải pháp hỗ trợ, Bộ Tài chính đã tham khảo ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm đảm bảo các giải pháp đưa ra là thiết thực, nhanh chóng tới được những đối tượng gặp khó khăn thực sự. Các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện đều quy định rõ đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế được gia hạn, miễn, giảm, số thuế còn phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.

Bộ Tài chính tiếp tục tổng kết, đánh giá kết quả các giải pháp đã và đang được thực hiện, đồng thời căn cứ điều kiện và diễn biến thực tế của dịch bệnh và yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp.

Theo đó, tổng phương tiện thanh toán năm 2022 cần tăng khoảng 10%, còn tổng tín dụng cho nền kinh tế tăng 12-15% mới đáp ứng được nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân. Một mặt khác, chính sách tín dụng cần tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng thông qua kéo dài và bổ sung chính sách gia hạn nợ cũng như không chuyển nhóm nợ đã áp dụng từ đầu năm 2020 đến nay.

Cũng theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, cần hoàn thiện và khuyến khích chính sách tín dụng tiêu dùng nhằm cải thiện sức mua trong nước, đồng thời hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thắt chặt dòng vốn tín dụng đổ vào các lĩnh vực rủi ro. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cần sớm hoàn thiện để các tổ chức tín dụng tham gia sâu và có hiệu quả hơn vào thị trường mua bán nợ, thị trường bất động sản đồng thời góp phần giảm thiểu rủi ro hệ thống.

Nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình cho rằng, nới lỏng chính sách tài khóa sẽ quyết định kết quả chương trình phục hồi kinh tế - xã hội năm 2022 và cả một số năm tiếp theo. Mức độ nới lỏng và thời gian nới lỏng phụ thuộc vào khả năng điều hành và phối hợp chính sách nhằm đạt cả hai mục tiêu: phục hồi tăng trưởng kinh tế và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua dự toán NSNN năm 2022 cùng với nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhanh chóng tận dụng cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Tài chính đang cùng với các bộ, ngành nghiên cứu ban hành các giải pháp về tài khóa nới lỏng trong thời gian tới.

Tạo động lực hỗ trợ nền kinh tế, ổn định vĩ mô

Năm 2022 dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 còn có diễn biến phức tạp, tác động kéo dài. Qua 4 đợt dịch bùng phát, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó của cả nước và từng địa phương tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của doanh nghiệp và người dân đã giảm sút nhiều.

Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò quan trọng vừa tạo động lực hỗ trợ cho nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân, vừa phải đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô.

Gói kích thích kinh tế đã được ban hành, trong đó có các giải pháp về chính sách tài khóa. Để giảm thiểu tác động của các giải pháp này tới an ninh tài chính quốc gia, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó: tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách về thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, động viên hợp lý nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, bảo đảm tính bền vững, an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công. Đồng thời, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bảo đảm dự toán thu NSNN; phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ổn định các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục chú trọng cải cách hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh, minh bạch, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước.