Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc tại Vĩnh Phúc
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết: Kinh tế của tỉnh luôn đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao, bình quân giai đoạn 1997 - 2021 tăng 13,42%/năm. Sau 25 năm tái lập, quy mô nền kinh tế Vĩnh Phúc đã tăng 70 lần. GRDP bình quân đầu năm 2021 đạt 114,3 triệu đồng (khoảng 4.800 USD). Vĩnh Phúc nằm trong nhóm các tỉnh có số thu ngân sách cao nhất cả nước, thu ngân sách liên tục đạt những mốc mới và luôn nằm trong top các địa phương trong cả nước có số thu cao nhất nước và là 1 trong 16 tỉnh có điều tiết về ngân sách trung ương với tỷ lệ cao (47%). Thu hút đầu tư trở thành điểm sáng của cả nước với 429 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) cùng tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ; 824 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư là gần 110 nghìn tỷ đồng.

Nhiều lĩnh vực cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư hiện đại, có sự vượt trội so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận. Sản xuất công nghiệp trở thành nền tảng của nền kinh tế. Nông nghiệp đã phát huy truyền thống và tiếp tục có những cơ chế, chính sách đi tiên phong cả nước với nhiều vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi quy mô tập trung.

Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được trung ương và các tỉnh, thành phố đánh giá cao về cách làm và kết quả thực hiện. Công tác quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Riêng năm 2021, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã kiểm soát tốt dịch bệnh, luôn là mô hình điểm về thực hiện mục tiêu kép trong cả nước. Nhờ vậy, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 nhưng kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, các lĩnh vực văn hóa xã hội được duy trì, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) ước cả năm 2021 đạt 87,09 nghìn tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2020. Tổng thu ngân sách đạt 32.094 tỷ đồng, đạt 104,55% dự toán.

Tỉnh đã tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Kết quả, năm 2021, thu hút đầu tư của tỉnh đạt cao nhất từ trước đến nay với sự góp mặt của 35 dự án FDI mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt trên 1,015 tỷ USD, bằng 253,75% kế hoạch, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Cấp mới cho 22 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 9,9 nghìn tỷ đồng và 6,67 nghìn tỷ đồng điều chỉnh tăng vốn, bằng 301% kế hoạch, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2022, Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung cao độ, quyết liệt cho việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, bám sát 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh quyết liệt, chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội với trọng tâm bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, lấy nhân dân là trung tâm của thành quả phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời nhất quán thực hiện 3 trụ cột: Phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo an ninh trật tự, môi trường. Trong đó, tập trung vào an sinh xã hội, phát triển môi trường sống, môi trường học tập; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân; xây dựng con người Vĩnh Phúc bản lĩnh, phong cách, có kiến thức.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trong 25 năm qua.

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh; tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hội nghị chuyên đề; các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư…

Tỉnh cần tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp; tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Vĩnh Phúc cần đẩy nhanh việc ứng dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng chính quyền số và quản lý xã hội, phát triển kinh tế số. Tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp để công nghiệp thật sự trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển của tỉnh; đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp chủ lực, ưu tiên phát triển ngành, sản phẩm công nghiệp điện tử, cơ khí, chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Cùng với đó, tỉnh cần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón năm mới 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế, quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 8/12/2021.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc lưu ý tới những chương trình hoạt động của Quốc hội, nhất là 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022; rà soát toàn bộ những phần việc liên quan tới Vĩnh Phúc, nhất là những vấn đề liên quan tới đất đai, tài nguyên, khoáng sản…

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đoàn kết một lòng, tận dụng thời cơ, phát huy lợi thế, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tế, để không ngừng phát triển, sớm hoàn thành mục tiêu đưa Vĩnh Phúc thành tỉnh công nghiệp phát triển, thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm cao so với cả nước; đến năm 2030 là tỉnh phát triển toàn diện, đủ tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương; tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố phát triển toàn diện trên các mặt về kinh tế - xã hội, môi trường; dựa trên nền kinh tế số, kinh tế tri thức; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống.