VN-Index nới rộng đà giảm về cuối phiên

Thị trường chứng khoán hôm nay giảm điểm mạnh vì tâm lý thận trọng bao trùm ngay từ đầu phiên. Thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới, giá dầu tương lai giảm hơn 3%, giá vàng thế giới cũng vượt 2.000 USD lần đầu tiên trong hơn 1 năm. Thị trường chứng khoán thế giới được dự báo sẽ rất biến động trước kỳ họp vào ngày 21 - 22/3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Theo dữ liệu MBS, dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm -22,04 điểm (-2,11%) xuống 1.023,1 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên bán. Sắc đỏ bao trùm sàn HOSE khi toàn sàn này chỉ có 48 mã tăng, trong khi có tới 369 mã giảm và 43 mã đứng giá.

Chứng khoán hôm nay (20/3): Nới rộng đà giảm về cuối phiên, VN-Index giảm hơn 22 điểm
Diễn biến chỉ số VN-Index. Nguồn: vn.tradingview.com.
Các cổ phiếu lớn gây áp lực lên chỉ số VN-Index phiên này là: VCB (-4,38%), BID (-2,05%), CTG (-3,45%), VHM (-1,85%), MSN (-2,4%)… đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu lớn khác như: VCF (+6,93%), PNJ (+1,27%), DCM (+2,5%), KDC (+1,89%), GMD (+1,42%)…

Bên cạnh đó, chỉ số VN30 cũng sụt giảm mạnh với -23,21 điểm (-2,22%) còn 1.024,5 điểm. Ở rổ VN30 có tới 28 mã giảm, 2 mã đứng giá và không có mã nào tăng. Nhóm midcap và smallcap cũng giảm mạnh lần lượt -2,03% và -1,5%.

Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 10.994 tỷ đồng, giảm -6,1% so với mức bình quân ở tuần trước. Với mức giảm thanh khoản trên toàn thị trường, dòng tiền từ khối nội tiếp tục yếu trong khi khối ngoại cũng quay ra bán ròng.

Khối ngoại bán ròng 337 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán của khối ngoại tập trung tại các cổ phiếu/chứng chỉ quỹ như: HPG, VIC, FUEVFVND, VNM, STB… Ở chiều ngược lại: DCM, HSG, MSN, VRE, GMD… là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên này.

Thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm?

Những dự báo rằng thị trường tuần này có thể giao dịch trong xu hướng giảm với biên độ hẹp đã không còn chuẩn xác. Tin tiêu cực từ thị trường tài chính quốc tế đã nhanh chóng chiếm ngự và tác động tới thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong khi đó, cuộc họp của FED trong vài hôm tới vẫn đang là ẩn số. Nhiều dự đoán được đưa ra nhưng lần này thì kết quả thực tế mới là lời giải cuối cùng. Kỳ vọng FED tăng lãi suất thêm 0,25% cũng chưa có gì là chắc chắn.

Quan trọng nhất là tiền vẫn yếu khi thanh khoản quay lại giảm trong phiên hôm nay. Thanh khoản bị yếu lực sau khi các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục xong trong tuần trước. Đây cũng là một nguyên nhân khiến thị trường nới rộng biên độ giảm khi kết hợp với việc khối ngoại bán ròng trở lại hôm nay.

Chứng khoán hôm nay (20/3): Nới rộng đà giảm về cuối phiên, VN-Index giảm hơn 22 điểm
Tâm lý nhà đầu tư trong nước đang chịu tác động từ thị trường quốc tế. Ảnh: Duy Dũng.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán trong nước vẫn đang trong xu thế giảm. Tiền nội chưa vào thì chưa quyết định được điều gì, nhất là trong bối cảnh thị trường quốc tế thậm chí còn kém tích cực hơn. Dòng tiền nội vẫn chưa đủ động lực để vào lại và mốc 1.000 điểm của VN-Index có thể cũng là mốc kiểm thử. Khi VN-Index “test” ngưỡng 1.000 điểm mà tiền vào lại thì mọi thứ có thể khả quan hơn, nhưng cũng khó loại trừ hoàn toàn trường hợp ngược lại.

Theo các chuyên gia của MBS, thị trường hôm nay có phiên giảm mạnh trong vòng 1 tháng qua khiến chỉ số VN-Index xuyên qua vùng dao động đi ngang kể từ đầu tháng 3 và về sát đáy tháng 2. Kể từ đầu tháng 2, chỉ số VN-Index đang nằm trong kênh giảm và ngưỡng hỗ trợ cho thị trường trước mắt là mốc tâm lý 1.000 điểm, hỗ trợ kỹ thuật biên dưới kênh giảm giá là 993 điểm.

“Trong bối cảnh chứng khoán thế giới biến động mạnh, trong nước chưa có thông tin hỗ trợ, nhà đầu tư không nên tham chiếu các ngưỡng hỗ trợ ở chỉ số chung mà nên căn cứ vào cổ phiếu cụ thể để đưa ra quyết định và tuân thủ kỷ luật trong các giao dịch ngắn hạn. Trong kịch bản lạc qua, chỉ số VN-Index sẽ có nhịp hồi kỹ thuật ở vùng hỗ trợ 993 – 1.000 điểm” – chuyên gia của MBS cho hay./.

Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ dù các ngân hàng trung ương đã công bố các biện pháp thanh khoản để giảm bớt khủng hoảng ngân hàng. Trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng Mỹ và châu Âu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, một số giám đốc điều hành đang kêu gọi FED tạm dừng lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ. Các nhà đầu tư dự đoán có 60% khả năng FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % vào cuộc họp chính sách 2 ngày 21 - 22/3, với 40% còn lại dự đoán ngân hàng trung ương này sẽ đóng băng lãi suất chủ chốt.