Thuỷ sản Minh Phú báo lãi trở lại nhờ tối ưu chi phí và doanh thu tài chính tăng mạnh Infographics: Tổng quan thị trường tài chính 4 tháng đầu năm 2025 |
Tài chính, bất động sản dẫn sóng
Bức tranh kết quả kinh doanh quý I/2025 đang cho thấy những tín hiệu tích cực, đặc biệt ở các nhóm ngành trụ cột như tài chính và bất động sản – hai động lực chính hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Theo ông Lê Đức Tiến – Chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV), lợi nhuận toàn thị trường tăng 11,8% so với cùng kỳ, trong đó riêng nhóm tài chính đóng góp nổi bật với mức tăng 14,1%, chủ yếu đến từ các ngân hàng.
![]() |
Tuy nhiên, tăng trưởng trong ngành tài chính không đồng đều.
“Các ngân hàng tư nhân tiếp tục duy trì lợi thế nhờ giữ vững biên lãi ròng (NIM) và mở rộng tín dụng hiệu quả, đặc biệt là cho vay tiêu dùng đang phục hồi rõ nét, kéo theo lượng khách hàng cá nhân tăng mạnh. Trái lại, nhóm ngân hàng quốc doanh chững lại do biên lợi nhuận thu hẹp bởi chính sách giảm lãi suất và tín dụng tăng trưởng chậm. Một số nhà băng thậm chí ghi nhận lợi nhuận âm vì chi phí dự phòng và mảng bán lẻ tăng cao trong quá trình mở rộng thị phần” – ông Tiến phân tích.
Chuyên gia từ SSV cho biết, dư nợ cho vay ký quỹ đang tăng mạnh tại các công ty chứng khoán lớn, với khả năng cho vay còn nhiều. Tuy nhiên, một số công ty gần đạt trần cho vay, chỉ còn dư địa dưới 2%, điều này hạn chế khả năng mở rộng cho vay trong ngắn hạn. |
Ngoài tài chính, nhiều ngành khác cũng cho thấy diễn biến tích cực. Bất động sản duy trì được ba quý tăng trưởng liên tiếp, nhờ lực đẩy từ việc sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở, góp phần tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho hoạt động triển khai dự án. Ngành tiện ích ghi nhận kết quả cải thiện, chủ yếu do mức nền thấp của cùng kỳ năm trước, trong khi ngành bán lẻ nổi bật với mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 74%, phản ánh xu hướng tiêu dùng nội địa đang phục hồi rõ nét.
Một điểm sáng khác trên thị trường là lĩnh vực chứng khoán. Ông Tiến nhận định, triển vọng đối với ngành này khá tích cực trong nửa cuối năm, đặc biệt là từ tháng 9 trở đi – thời điểm Việt Nam được kỳ vọng có thể được nâng hạng thị trường. Nếu điều này trở thành hiện thực, một dòng vốn ngoại đáng kể sẽ được kích hoạt, không chỉ giúp cải thiện thanh khoản mà còn có thể tạo lực đẩy đáng kể cho giá cổ phiếu.
“Tuy nhiên, sự dịch chuyển trong cơ cấu doanh thu cũng đang đặt ra thách thức mới, mảng môi giới, vốn từng là trụ cột lợi nhuận đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt do xu hướng miễn phí giao dịch. Trong khi đó, mảng cho vay ký quỹ (margin) dần trở thành động lực tăng trưởng chính và bền vững hơn cho các công ty chứng khoán” – ông Tiến cho biết.
Doanh nghiệp sản xuất gặp khó
Ở góc nhìn tổng thể, ông Trương Đắc Nguyên – Trưởng Bộ phận Phân tích Chiến lược thị trường tại Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, dù lợi nhuận quý I đạt mức kỷ lục 144.647 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ, nhưng phần tăng thêm gần 27.500 tỷ đồng lại chủ yếu đến từ các khoản thu nhập bất thường.
![]() |
Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh thuần túy chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 1,5%, thấp nhất kể từ năm 2023 và cách biệt lớn so với mức bình quân 36% của năm trước. “Tăng trưởng hiện tại đang phụ thuộc quá nhiều vào các trụ cột như tài chính và bất động sản, thay vì xuất phát từ nội lực của khu vực sản xuất” – ông Nguyên nhận xét.
Cùng với đó, Chính phủ vẫn đang kiên trì theo đuổi chính sách hỗ trợ tổng cầu thông qua kích thích tiêu dùng, ổn định tín dụng và kiểm soát dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là khối xuất khẩu, lại đang chịu nhiều áp lực trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu xấu đi.
Trong quý II, theo giới chuyên gia, các yếu tố bên ngoài bắt đầu phát huy tác động rõ rệt. Chính sách áp thuế của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn, thậm chí bị hủy đơn hàng. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) – chỉ báo quan trọng phản ánh kỳ vọng sản xuất đã giảm xuống 45,6 điểm, mức tương đương với giai đoạn suy thoái toàn cầu năm 2023, cho thấy triển vọng kinh tế đang xấu đi nhanh chóng.
Ngay cả ngành ngân hàng vốn là trụ đỡ chính trong quý I cũng đang ghi nhận dấu hiệu chững lại. Tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành chỉ đạt 12,8%, thấp hơn kỳ vọng và chưa đủ để duy trì đà hồi phục mạnh mẽ cho thị trường tài chính trong bối cảnh áp lực lãi suất, tỷ giá và rủi ro nợ xấu vẫn hiện hữu.
“Với nền tảng tăng trưởng không đồng đều, khả năng quý II sẽ là giai đoạn ‘thử lửa’ về sức chịu đựng của doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp sản xuất – nơi chịu áp lực kép từ chi phí đầu vào, đơn hàng xuất khẩu và thay đổi chính sách thương mại quốc tế” – ông Nguyên nhấn mạnh.
Chuyên gia từ SSV nhận định, lĩnh vực bất động sản ghi nhận bức tranh sáng trong kết quả kinh doanh quý I/2025. Bất động sản dân dụng phục hồi nhờ nhu cầu tăng và mức hấp thụ tốt. Các doanh nghiệp mở bán dự án trong năm nay ghi nhận tăng trưởng mạnh, nhờ các luật mới và chính sách tín dụng ưu đãi, đặc biệt là gói cho vay lãi suất 5-6% cho người dưới 35 tuổi mua nhà. Những yếu tố này dự báo sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi trong các quý tới. |