Trong phát biểu, ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh thay vì nâu là câu trả lời hóa giải thách thức khí hậu. Quá trình này vốn đã đầy thách thức đối với các nước OECD, lại càng gian nan đối với các nước ngoài OECD có trình độ phát triển thấp hơn.

Chuyển đổi sang kinh tế xanh là chủ trương phát triển xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại sự kiện. Ảnh: BNG

Ông chia sẻ, từ góc độ Việt Nam, một nước đang phát triển, một nền kinh tế đang chuyển đổi, để thành công quá trình này cầm đảm bảo các tiêu chí: “cân bằng, công bằng, đồng bộ và đột phá”.

Cụ thể, quá trình chuyển đổi xanh cần bảo đảm tính cân bằng và công bằng. Đó là cân bằng chiến lược giữa chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng, tính tới điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước để xây dựng các lộ trình chuyển đổi năng lượng đa dạng, có tính thực tiễn cao. Đó là công bằng trong khả năng tiếp cận công nghệ xanh, tài chính xanh đối với các nước đang và kém phát triển; công bằng trong việc bảo đảm không gian và cơ hội phát triển giữa các nhóm nước, các nhóm cộng đồng trong xã hội để không một ai hay quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.

Chuyển đổi xanh cần được thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn cầu. Biên giới quốc gia của thách thức khí hậu là không có. Việc thủng tầng ô-zôn ở một góc nào đó trên thế giới sẽ tác động nhanh chóng đến biến đổi khí hậu toàn trái đất. Do đó, cần sự phối hợp chính sách, quyết tâm thực hiện của tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đánh giá cao diễn đàn giảm phát thải các-bon (IFCMA) của OECD; việc thống nhất một số định hướng, chính sách chung ở cấp độ toàn cầu như sứ mệnh của IFCMA đóng vai trò quan trọng.

Quá trình chuyển đổi xanh là một cuộc cách mạng muốn thành công cần tư duy và hành động đột phá, nhất là mạnh dạn ứng dụng các công nghệ mới xanh hơn, hiệu quả và thông minh hơn. Để giảm thiểu các rủi ro phải đánh đổi khi đột phá, Việt Nam mong các nước OECD, những nước đi đầu về công nghệ, giúp tiên phong phát triển và chuyển giao công nghệ mới hiệu quả, an toàn, phù hợp cho các nước đang phát triển.

Ông Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn, ít phát thải luôn là chủ trương phát triển xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam.

Mặc dù là một nước đang phát triển và trong quá trình chuyển đổi, Việt Nam đã có những cam kết đầy tham vọng và cùng chung tay trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Quyết tâm này đã được thể hiện rõ qua cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP 26, việc thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước G7 và gần đây nhất là việc thông qua Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.

“Lộ trình hành động vì khí hậu của Việt Nam chỉ có thể thành công với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là OECD qua hỗ trợ vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ, xây dựng thể chế chính sách, quản trị và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam cũng mong OECD hỗ trợ trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam” - ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.