![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, Bộ Ngoại giao Hà Lan phối hợp tổ chức. |
Các nước coi trọng vị thế, vai trò của Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa ta với 3 nước ngày càng phát triển; ta và 3 nước sẽ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Các nước đều là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu về thương mại, đầu tư; có nhiều thế mạnh phù hợp mục tiêu an ninh, phát triển của ta về ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, công nghệ cao…
Các nước coi trọng vị thế, vai trò của Việt Nam ở khu vực, đã có các khuôn khổ Đối tác toàn diện, Đối tác chiến lược về biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững với ta, quyết tâm cùng ta đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác nhân dịp chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ.
Đóng góp quan trọng cho Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU Tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng và có trách nhiệm cho thành công chung của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-EU, cả trong quá trình chuẩn bị tổ chức, tham gia thảo luận tại Hội nghị cũng như xây dựng văn kiện. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu đề cao ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm lần này và chia sẻ về một số định hướng lớn, nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa. |
Trong vòng 1 tuần, thăm 3 nước và dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Việt Nam có khối lượng làm việc dày đặc, nhiều cuộc làm việc, tiếp xúc diễn ra tại bữa ăn sáng, ăn trưa. Rất nhiều nội dung được bàn thảo và mối quan tâm của đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam trên rất nhiều lĩnh vực, là các thế mạnh của các nước đoàn đến thăm, từ lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, công nghệ cao, làm việc với lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn.
Xuyên suốt chuỗi ngày làm việc, chúng ta cảm nhận được tình cảm nồng ấm, trọng thị của các nơi đoàn công tác đến thăm. 3 nước đều tổ chức đón tiếp Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam với nghi lễ trang trọng. Thủ tướng ta đã gặp gỡ, trao đổi với hầu hết lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, Quốc hội và Hoàng gia, cho thấy các nước đánh giá cao chuyến thăm và coi trọng quan hệ với Việt Nam.
Qua các buổi tiếp, lãnh đạo cấp cao các nước đều bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các nước khẳng định mong muốn cùng ta đưa quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch, xử lý hiệu quả các vấn đề quốc tế và cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Các nước đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất, nhiều tiềm năng nhất trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp của cả 3 nước rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Lãnh đạo các nước ủng hộ việc triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), và bày tỏ mong muốn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVPIA) sớm được phê chuẩn để thúc đẩy hơn nữa đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới, công nghệ cao, chiến lược.
![]() |
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN- EU. |
Tranh thủ thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Trong vòng 1 tuần, đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã tranh thủ thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ba nước có thế mạnh. Ví dụ, như đối với Luxembourg, đó là việc kết nối tiếp cận với nguồn vốn đầu tư và tài chính với điều kiện ưu đãi, nhất là tài chính xanh, thông qua việc sớm thiết lập Đối tác chiến lược về tài chính xanh. Với Hà Lan và Bỉ là đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, thành lập các trung tâm công nghệ cao theo mô hình ba bên (Chính phủ, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp) như Trung tâm đổi mới sáng tạo Brainport của Hà Lan.
Ngoài ra, đoàn công tác của Việt Nam cũng đã quan tâm đến đẩy mạnh kết nối về logistics, thu hút đầu tư chất lượng cao của ba nước vào hạ tầng chiến lược, tăng cường hợp tác chuyên ngành giữa các bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp với ba nước về quản lý nước, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Trong khuôn khổ chuyến thăm, tại mỗi nước, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì diễn đàn doanh nghiệp, gặp và làm việc với Lãnh đạo các vùng cùng 20 tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Đã có 30 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu và giữa các doanh nghiệp đã được ký kết.
hông nói chung chung, hình thức, nhiều câu hỏi của Thủ tướng Phạm Minh Chính được cho là khá thẳng thắn để tìm hiểu và để ứng dụng trong thực tiễn. Như cuộc làm việc tại Hà Lan, tìm hiểu về cảng Rotterdam - cảng lớn nhất châu Âu, được xem là cửa ngõ của châu Âu và là một trong những cảng bận rộn nhất thế giới.
Sau khi lắng nghe giới thiệu về lịch sử, mô hình phát triển cảng Rotterdam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt 2 câu hỏi với đại diện cảng: Việt Nam có thể xây dựng cảng trung chuyển quốc tế được không? Cảng Rotterdam có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng cảng trung chuyển quốc tế không?
Cuộc làm việc với Tập đoàn De Heus (Hà Lan), Thủ tướng đề nghị tập đoàn phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố để triển khai, thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu, mở rộng quy mô đầu tư, tăng cường hợp tác với các đối tác trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, người nông dân...; đề xuất các chính sách, sáng kiến phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó có mặt hàng ngô.
Kết thúc chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá: “Chuyến thăm chính thức ba nước của Thủ tướng Chính phủ đã thành công về mọi mặt, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với ba nước, gia tăng tin cậy chính trị, đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác trong giai đoạn phát triển mới ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phục vụ các lợi ích an ninh – phát triển của ta và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.
Việc của kiều bào như việc của nhà mình
Tại các nước đoàn công tác cấp cao của Việt Nam đến thăm, người đứng đầu Chính phủ cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại đó. “Đảng, Nhà nước ta không có mục tiêu nào khác là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, lo cho nhân dân sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc, ở trong nước thế nào thì ở ngoài nước cũng vậy”, Thủ tướng đã xúc động chia sẻ với kiều bào tại châu Âu như vậy. Thủ tướng đề nghị các đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao "phải coi bà con như người nhà mình, giải quyết công việc cho bà con như công việc của nhà mình", đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số để giải quyết thủ tục nhanh chóng. Thủ tướng mong muốn cộng đồng người Việt Nam tại ba nước không ngừng lớn mạnh, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân ở sở tại, đoàn kết, là cộng đồng mẫu mực, là niềm tự hào của đất nước. Chia sẻ với bà con tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện có khoảng 5 triệu kiều bào ở trên 130 quốc gia trên thế giới. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trải qua nhiều thăng trầm song vẫn vươn lên để khẳng định mình, cơ bản thành công, được tôn trọng ở nước sở tại. Đặc biệt, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị không chỉ giúp công tác người Việt Nam ở nước ngoài có đột phá mà còn tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài tiếp tục phát triển và đóng góp cho đất nước. Thủ tướng cho biết Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Là đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh, Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, nhất quán quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, "không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải". Việt Nam nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế tích cực, sâu rộng, thực chất, hiệu quả, lấy nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa – lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực (như vốn, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực…) là quan trọng và đột phá./. |