Hiện chưa có quy định hoàn trả trực tiếp cho người bệnh

Thời gian vừa qua, tình trạng khan hiếm thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế diễn ra ở một số địa phương, khiến người bệnh phải tự mua thuốc bên ngoài, dù thuộc danh mục được chi trả của bảo hiểm y tế.

Cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho người bệnh
Người bệnh chờ lấy thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: LV

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phương án hoàn trả tiền thuốc, vật tư y tế cho người bệnh bảo hiểm y tế trong trường hợp trên, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - BHXH) cho biết, trong quy định về thanh toán trực tiếp hiện nay đối với người bệnh thì không có quy định thanh toán khi người bệnh mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài.

Đồng thời, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định rất rõ, cơ sở KCB có trách nhiệm phải đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho người bệnh bảo hiểm y tế. Như vậy, rõ ràng trách nhiệm này thuộc về các cơ sở KCB.

8 địa phương thiếu thuốc nhiều do chậm đấu thầu

Theo thống kê sơ bộ của BHXH Việt Nam, có 8 tỉnh thành đang thiếu thuốc nhiều, bao gồm: Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Bạc Liêu.

Ông Phúc cho biết, để có thể thanh toán được, phải có ý kiến của cấp có thẩm quyền thanh toán cho bệnh viện hay thanh toán cho người bệnh bảo hiểm y tế trong trường hợp này. Luật Bảo hiểm y tế có quy định một số trường hợp đặc biệt được thanh toán trực tiếp. Tuy nhiên, để được thanh toán, cần xác định có thuộc trường hợp đặc biệt như trong quy định hay không. BHXH Việt Nam cũng đang chờ ý kiến hướng dẫn của Bộ Y tế triển khai thực hiện việc thanh toán này.

Theo ông Phúc, có 2 hình thức thanh toán có thể áp dụng là: cơ sở KCB thực hiện thanh toán lại cho người bệnh, sau đó BHXH Việt Nam sẽ quyết toán với cơ sở KCB hoặc cũng có thể thanh toán trực tiếp. Tuy nhiên, việc thanh toán trực tiếp cũng đang gặp khó khăn, đơn cử như sẽ thanh toán mức giá nào cho người bệnh, chất lượng thuốc đó có đảm bảo hay không khi người bệnh đi mua ở ngoài, đặc biệt với những thuốc cần đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm bảo quản.

“Chúng tôi không khuyến khích việc cho phép người bệnh tự phải đi mua thuốc, vật tư y tế về điều trị khi thực hiện KCB, bởi có những thuốc rất đắt, nhiều người không thể bỏ số tiền lớn ra để mua sau đó về đợi thanh toán. Bệnh viện, các cơ sở KCB phải có trách nhiệm trong việc này, điều đó vừa đảm bảo mức giá, vừa đảm bảo chất lượng, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế”- Trưởng ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế (BHXH Việt Nam) nhấn mạnh.

Đôn đốc mua sắm thuốc đảm bảo tối thiểu 80% giá trị của từng phần trong hợp đồng

Liên quan đến việc cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác KCB bảo hiểm y tế, mới đây, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã đề nghị BHXH các tỉnh khẩn trương phối hợp chặt chẽ với sở y tế, các cơ sở KCB theo dõi tiến độ đấu thầu thuốc của từng gói thầu tập trung, đấu thầu bổ sung tại sở y tế, để kịp thời có ý kiến, tránh tình trạng chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ điều trị và phát sinh việc mua sắm thuốc không đúng quy định của pháp luật.

Cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho người bệnh
Bệnh nhân chờ làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cơ sở Tứ Hiệp. Ảnh: LV

BHXH các địa phương cũng được yêu cầu cần chủ động đề nghị sở y tế, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tổ chức đấu thầu mua sắm theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá khi chưa có kết quả đấu thầu. Đấu thầu, mua sắm kịp thời đáp ứng yêu cầu điều trị đối với các thuốc nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 của các thuốc thuộc danh mục đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia theo phân cấp của Bộ Y tế.

Đồng thời, theo dõi, đôn đốc việc mua sắm thuốc đảm bảo các cơ sở thực hiện tối thiểu 80% giá trị của từng phần trong hợp đồng đã ký kết đối với thuốc đấu thầu tập trung theo quy định tại Điều 37 Thông tư số 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế.

Về công tác đấu thầu mua sắm và cung ứng vật tư y tế, ông Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu BHXH các tỉnh phối hợp với Sở Y tế đề nghị các cơ sở KCB trên địa bàn rà soát kết quả đấu thầu, số lượng vật tư y tế còn tồn và thời gian dự kiến sử dụng hết tại cơ sở KCB, thời gian dự kiến hoàn thành quy trình đấu thầu. Từ đó, xây dựng kế hoạch và thực hiện đấu thầu mua sắm, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư y tế phục vụ công tác KCB.

Thêm ý kiến về vấn đề này, phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, ông Đào Việt Ánh- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh: “BHXH Việt Nam là cơ quan thực hiện chính sách và trong việc tham mưu chính sách, bao giờ BHXH Việt Nam cũng hướng tới đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế. Xung quanh vấn đề này, BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Y tế, sau khi có ý kiến trả lời từ Bộ Y tế, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện theo đúng hướng dẫn, để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia”.

Chậm đấu thầu thuốc có nguyên nhân do "mắc" ở địa phương

Theo ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế (BHXH Việt Nam), việc chậm đấu thầu thuốc, vật tư y tế thời gian qua một phần nguyên nhân do trong giai đoạn Coivd-19 vừa qua, việc tập trung nhân lực cho công tác đấu thầu còn hạn chế. Bên cạnh đó, đôi khi việc chậm trễ này còn do UBND tỉnh chưa phê duyệt. Đơn cử như tại tỉnh Bắc Ninh, đã có báo cáo kết quả trúng thầu của hội đồng đấu thầu thuốc địa phương trình lên, nhưng 2 tháng nay UBND tỉnh vẫn chưa phê duyệt.