"Giỏ" đầu tư của ngành bảo hiểm đang tái cấu trúc mạnh mẽ
Nguồn: Báo Tài chính - Đầu tư tổng hợp Đồ họa: Anh Tú

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2015, tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế là 160.466 tỷ đồng, tăng 26,29% so với 2014. Sau một thập kỷ, tổng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế từ khối doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt khoảng 850.075 tỷ đồng vào năm 2024, cao gấp 5,3 lần so với năm 2015, với tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm.

Dẫn vốn cho nền kinh tế, quy mô vượt mốc 850.000 tỷ đồng

Tính đến cuối năm 2024, thị trường bảo hiểm Việt Nam có tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP khoảng 2,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và toàn cầu (6,3%). Điều này mở ra dư địa lớn cho ngành bảo hiểm trong việc cung cấp các sản phẩm phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp và nền kinh tế, từ đó, tạo ra nguồn phí bảo hiểm lớn hơn và đẩy lượng vốn lớn đầu tư trở lại nền kinh tế.

Tiêu chí an toàn luôn đặt lên hàng đầu

"Khi thực hiện đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm luôn đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu, sau đó mới đến hiệu quả và khả năng thanh khoản. Các trái phiếu được lựa chọn đều phải đảm bảo có thể giao dịch được trên thị trường, có thể bán lại hoặc sử dụng để cầm cố tại chính ngân hàng phát hành hoặc các tổ chức tài chính khác" - ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị VINARE bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn Cầu cho biết, tận dụng nguồn lực từ các công ty bảo hiểm là cơ hội phát triển thị trường vốn, bởi các công ty bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ có nguồn phí bảo hiểm thu từ khách hàng đều đặn, có thể kéo dài từ vài năm đến vài chục năm. Chính dòng tiền ổn định, đều đặn này giúp hình thành nguồn vốn lớn, mang tính chất trung dài hạn và tạo nền tảng để các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào những danh mục tài chính dài hạn, tạo nên một kênh dẫn vốn bền vững cho nền kinh tế.

Danh mục đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm rất đa dạng. Theo quan sát, dòng vốn từ các doanh nghiệp bảo hiểm đang có sự dịch chuyển rõ nét sau một thập kỷ, cho thấy nhu cầu tái định vị vai trò chiến lược của nguồn lực tài chính này trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và nhu cầu huy động vốn ngày càng gia tăng càng làm nổi bật vai trò cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Sau một thập kỷ, tổng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế từ khối doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ tăng gấp 5,3 lần về quy mô, mà còn có sự chuyển dịch đáng kể vào các "giỏ" tài sản khác nhau.

Về tỷ trọng phân bổ các kênh đầu tư toàn ngành, dòng vốn không còn “nằm im” trong trái phiếu chính phủ. Theo đó, năm 2015, các công ty bảo hiểm từng tập trung phần lớn vốn vào trái phiếu chính phủ với tỷ trọng 57%, nhưng gần đây giảm còn 36%. Thay vào đó, dòng vốn được chuyển hướng sang các kênh có suất sinh lợi cao hơn, nổi bật là tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, tăng mạnh từ 30% lên trên 40%, trở thành loại tài sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của toàn ngành.

Một xu hướng đáng chú ý khác là sự gia tăng nhanh chóng tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (gồm cả có và không có bảo lãnh) cùng với cổ phiếu. Tỷ trọng đầu tư vào nhóm tài sản này tăng từ 6% năm 2015 lên 17%.

Đáng lưu ý, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thể hiện sự dịch chuyển mạnh mẽ hơn trong cơ cấu danh mục đầu tư so với khối phi nhân thọ, với xu hướng rõ nét là ưu tiên nhiều hơn cho các tài sản có khả năng mang lại suất sinh lợi cao. Ở chiều ngược lại, khối bảo hiểm phi nhân thọ, vốn có đặc thù đầu tư ngắn hạn và gắn chặt với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên thị trường, thường phản ứng nhanh với các biến động kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp trong nhóm này tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn tài sản vào tiền gửi tại tổ chức tín dụng.

Đầu tư tài chính trở thành trụ cột lợi nhuận

Không chỉ dẫn vốn trở lại nền kinh tế, hoạt động tài chính hiện đóng vai trò then chốt, trở thành nguồn thu chủ lực trong cơ cấu lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Thống kê của phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư tại các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết cho thấy, tổng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính trong năm 2024 gần 14.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2015; đồng thời, cao hơn 4,5 lần lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VINARE) cho biết, thị trường bảo hiểm hiện rất cạnh tranh khiến mức phí bảo hiểm duy trì ở mức thấp, điều này kéo theo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm chưa cao.

Vì vậy, các doanh nghiệp linh hoạt chuyển hướng, đẩy mạnh khai thác cơ hội sinh lời từ hoạt động đầu tư tài chính, góp phần đa dạng hóa nguồn thu và nâng cao hiệu quả hoạt động tổng thể.

Bên cạnh yếu tố cạnh tranh, thị trường bảo hiểm trong nước cũng đang chịu tác động từ chi phí bồi thường tăng, biến động kinh tế vĩ mô và yêu cầu khắt khe hơn về quản trị rủi ro. Trước bối cảnh đó, việc kết hợp hài hòa giữa hoạt động kinh doanh bảo hiểm cốt lõi và đầu tư tài chính hiệu quả là định hướng chiến lược mà VINARE theo đuổi nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

Tìm cơ hội từ nhiều kênh sinh lời bền vững

Theo Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn, tại VINARE, Tổng công ty không còn nắm giữ trái phiếu Chính phủ và chuyển dịch sang đầu tư sang trái phiếu doanh nghiệp và tuân thủ các giới hạn chặt chẽ trong quy định. Trong đó, trọng tâm đầu tư trái phiếu do các ngân hàng phát hành để huy động vốn cấp hai, với xếp hạng tín nhiệm quốc tế từ các tổ chức uy tín như Moody’s, S&P... Đây là kênh đầu tư có độ an toàn cao, lãi suất ổn định, có thời điểm lên tới 7%/năm.

“Chúng tôi thiết lập hệ thống kiểm soát rủi ro chặt chẽ trong hoạt động đầu tư, bao gồm việc định kỳ đánh giá lại danh mục, theo dõi sát tình hình tài chính của tổ chức phát hành; đồng thời, đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và các giới hạn đầu tư theo quy định của Bộ Tài chính” - ông Tuấn nêu rõ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng gợi mở thêm vai trò của các quỹ hưu trí tự nguyện trong việc phát triển thị trường bảo hiểm và là lực đỡ quan trọng cho thị trường vốn. Tại Mỹ, nguồn vốn dài hạn phần lớn đến từ các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm, với chương trình 401(k) rất phổ biến và hoạt động hiệu quả, với tỷ trọng cao đầu tư vào thị trường chứng khoán và trái phiếu. Vốn trong tài khoản 401(k) được tích lũy trong thời gian dài, ít bị rút ra giữa chừng nên có tính ổn định cao, giúp dẫn vốn từ người lao động, các cá nhân vào khu vực doanh nghiệp và chính phủ.

"Việt Nam cũng có tiềm năng phát triển quỹ hưu trí tự nguyện từ các công ty bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, nhằm phát triển thị trường vốn và giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng" - ông Hiếu đánh giá.