doi viet nam tuy truyen gia phong quan

Ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ thành lập với 34 chiến sĩ, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Ảnh tư liệu

Ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa. Chỉ thị nêu rõ: "Không thể tay vo mà đánh đuổi được giặc. Dân ta muốn đánh đuổi Nhật - Pháp cũng không thể không sắm sửa và tập võ khí".

"Có hai cách kiếm võ khí là: tự chế, mua và chiếm của giặc". Chỉ thị hướng dẫn các cấp giải quyết nhiều vấn đề cụ thể một cách thiết thực như: Việt Minh mỗi nơi phải dùng mọi phương pháp kiếm tiền quyên cho "quỹ mua súng" của đoàn thể, đặc biệt dùng hai cách:

a) Tổ chức một cuộc quyên đặc biệt giúp "quỹ mua súng" của Việt Minh.

b) Mỗi tháng những đoàn thể cứu quốc các nơi phải tổ chức "một ngày cứu quốc" hay "một ngày mua súng"; động viên tất cả các đồng chí cứu quốc và bạn cảm tình thi nhau đem sức lực ra làm, đặng kiếm một số tiền quyên góp cho "quỹ mua súng".

Ngày 10/8/1944, Trung ương kêu gọi "sắm vũ khí, đuổi thù chung". Các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh nhiệt liệt hưởng ứng, hăng hái góp tiền vào quỹ mua súng, sôi nổi nhất là các khu căn cứ Cao - Bắc - Lạng và Thái - Hà -Tuyên. Tổng bộ Việt Minh phát hành "tín phiếu" để lấy tiền chi tiêu vào việc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại một khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sĩ, trang bị 34 khẩu súng các loại. Biên chế thành 3 tiểu đội, có chi bộ đảng lãnh đạo.

Đội trưởng: Hoàng Sâm (tức Trần Văn Kỳ).

Chính trị viên: Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch).

Quản lý: Văn Tiên (tức Lộc Văn Lùng).

Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập đội. Bác Hồ đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp 500 đồng bạc Đông Dương làm quỹ cho Đội. Đó là khoản ngân quỹ đầu tiên của quân đội ta được quản lý chặt chẽ, sử dụng hết sức tiết kiệm; kết hợp với các nguồn thu bằng tiền và hàng khác, nó đã phát huy hiệu quả trong việc phục vụ Đội Việt Nam truyên truyền giải phóng quân xây dựng và chiến đấu.

Ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đánh thắng liền hai trận đầu, hạ đồn Phai Khắt ngày 24/12/1944 và đồn Nà Ngần ngày 25/12/1944, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Tinh thần của đội lên rất cao. Trong cuộc hành quân một ngày đêm, mỗi người chỉ được ăn một bữa, nhưng toàn đội ai cũng rất tự hào là "ăn mỗi ngày một bữa, đánh một ngày hai trận". Đội có thêm súng đạn chiến lợi phẩm phát triển thành một đại đội gồm ba trung đội.

Đêm 5/2/1945, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân diệt đồn Đông Nu (Bảo Lạc, Cao Bằng), ngày 25/2/1945 phục kích địch đi tải lương trên đường từ Nà Ngần đi Ben Le, thu 16 súng và nhiều đạn dược, lương thực. Ngạy sau đó lại tới bao vây, hạ đồn Nà Ngần (lần thứ hai) thu 30 súng và toàn bộ quân trang, quân dụng. Một phần vũ khí chiến lợi phẩm được phân phối về các châu để xây dựng thêm những trung đội giải phóng quân địa phương.

dong bac dong duong
Hình ảnh Mười đồng Bạc Đông Dương, mặt phải. Ảnh nguồn webvkal.net

Trong những ngày đầu tuy quân số ít và còn nghèo, nhưng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã tổ chức bộ phận quản lý. Đại đội bộ có ban quản lý gồm từ ba đến bốn chiến sĩ, các trung đội hoạt động phân tán có quản lý riêng. Đồng chí Văn Tiên (tức Lộc Văn Lùng) là người quản lý đầu tiên và cũng là người phụ trách tài chính đầu tiên của quân đội ta.

Trong những ngày đầu, với 20 đồng bạc Đông Dương được chỉ huy đội giao cho, đồng chí Lộc Văn Lùng đã không phụ lòng tin của Đội, ngày ngày tần tảo bảo đảm cho anh em ăn uống. Việc cung cấp, lo toan tài chính lúc này còn đơn giản, chủ yếu là ăn uống và dụng cụ cấp dưỡng. Hai chiếc nồi nhỏ dùng để nấu cơm cho đội là do đồng bào ủng hộ. Lương thực dùng hàng ngày chủ yếu nhờ nhân dân chu cấp và các đoàn thể cứu quốc bảo đảm một phần.

Tổ chức "hũ gạo tuyên truyên", "kho gạo tuyên truyền", "muối tuyên truyền" đã nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ tuyên truyền giải phóng quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trưởng thành nhanh chóng. Đội đã góp phần quan trọng củng cố, mở rộng khu căn cứ Cao - Bắc - Lạng, cổ vũ nhân dân càng thêm tin tưởng con đường khởi nghĩa vũ trang của Đảng là tất thắng.

Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng thực dân Pháp. Ngay đêm ấy, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng, nhận định tình hình lúc này là "tiền khởi nghĩa". Vì vậy nhiệm vụ trực tiếp của Đảng là lãnh đạo toàn dân tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước ta đã dấy lên cao trào chống Nhật, cứu nước.

Ở Việt Bắc, chiến tranh du kích đã lan rộng hầu khắp các tỉnh. Các đội Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân phối hợp với tự vệ và nhân dân địa phương đã giải phóng một khu vực rộng lớn bao gồm gần hết địa phận các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang và một phần các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên. Ở Ba Tơ (Quảng Ngãi), khởi nghĩa nổ ra, chính quyền cách mạng được thành lập, Đội du kích Ba Tơ ra đời. Ở các nơi khác trong cả nước phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ...

Lúc này, các lực lượng vũ trang cách mạng phát triển lên một quy mô mới, công tác tài chính trong lực lượng vũ trang cũng có bước phát triển để đáp ứng nhiệm vụ. Ngày 12/4/1945, Đảng phát động phong trào "Đồng tiền cứu nước", thông qua Mặt trận Việt Minh, kêu gọi đồng bào yêu nước tham gia tích cực để tạo cơ sở vật chất cho việc mua sắm, chế tạo vũ khí và nuôi dưỡng các chiến sĩ du kích đang chiến đấu quyết liệt với quân thù.

Từ ngày 15 đến 20/4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp bàn phát triển chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa kháng Nhật để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Hội nghị quyết định thống nhất Cứu quốc quân,Việt Nam tuyên tuyền giải phóng quân cùng các tổ chức vũ trang khác thành Việt Nam giải phóng quân. Lễ thành lập Việt Nam giải phóng quân được tổ chức ngày 15/5/1945 tại Định Biên Thượng (Chợ Chu, Thái Nguyên).

Về tài chính, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ quyết định: Lập quỹ Ủy ban quân sự cách mạng, các khu phải tập trung lên 50%; Phát hành một triệu tín phiếu của Việt Nam giải phóng quân.

Chủ trương của Đảng được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Các đoàn thể cứu quốc đã thành công lớn trong việc bán tín phiếu Giải phóng quân. Phong trào quyên tiền, tìm kiếm gom góp nguyên vật liệu rèn giáo mác, gươm dao phát triển mạnh mẽ. Các xưởng sản xuất súng đạn được xây dựng khắp nơi, nổi bật là xưởng vũ khí ở Từ Sơn (Bắc Ninh), xưởng lô cốt đỏ ở Cao Bằng...

Tháng 8/1945, Đảng ta đã phát động phong trào tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 28/8/1945, chi đội Giải phóng quân vừa giải phóng Thái Nguyên tiến về Hà Nội để cùng nhân dân đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời về Thủ đô Hà Nội./.

(Tổng hợp theo Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt và Lịch sử công tác Tài chính Quân đội nhân dân Việt Nam – NXB QĐND)

Đặng Việt Thủy