Qua kết quả quản lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế 4 tháng đầu năm cho thấy, tại nhiều địa bàn nợ thuế có diễn biến phức tạp, đặc biệt là nợ đối với các khoản liên quan đến đất đai, công tác đôn đốc thu hồi nợ thuế còn chậm, hiệu quả chưa cao.

Về khoanh nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 và Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, tính đến 31/3/2023, sau khi rà soát, cập nhật bổ sung số liệu, đến hiện tại, dữ liệu khoanh nợ tăng so với số báo cáo các kỳ trước.

Cụ thể: đã ban hành quyết định đối với 7.223 người nộp thuế với tổng số tiền khoanh nợ là 735,9 tỷ đồng. Trong đó: ban hành Quyết định khoanh nợ theo Nghị quyết số 94 đối với 6.148 người nộp thuế với số tiền 601,3 tỷ đồng; ban hành Quyết định khoanh nợ theo Luật Quản lý thuế số 38 đối với 1.075 người nộp thuế với số tiền 134,5 tỷ đồng; hoàn thành 100% theo Nghị quyết số 94.

Chính thức trình Chính phủ sửa một số quy định liên quan đến phí, lệ phí
Việc triển khai thu đòi nợ thuế nhằm góp phần tăng thu về cho ngân sách. Ảnh: TL.

Về thực hiện lập hồ sơ xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94, tính đến 30/4/2023, toàn ngành thuế tỉnh Bình Định đã tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94 đối với 2.630/3.721 người nộp thuế đủ điều kiện với tổng số tiền 111 tỷ đồng. Hiện, đang trình các cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xóa nợ đối với 1.091 người nộp thuế.

Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp quản lý nợ thuế, như: Xây dựng kế hoạch đôn đốc, xử lý nợ hiệu quả; đảm bảo thu hồi tối đa các khoản nợ có khả năng thu, đặc biệt là các khoản nợ gia hạn, còn phải nộp sau quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xử lý dứt điểm các khoản nợ đủ điều kiện khoanh nợ, xóa nợ theo quy định của pháp luật.

Về kết quả thu ngân sách, theo Cục Thuế Bình Định, sau nhiều năm giữ đà tăng, lần đầu tiên tốc độ thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn giảm so với cùng kỳ. Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách đạt 2.832 tỷ đồng, bằng 22,6% dự toán.

Nếu loại trừ 3 khoản thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết và cổ tức, lợi nhuận được chia, thu NSNN trên địa bàn 4 tháng đạt 2.225,9 tỷ đồng, bằng 32,1% dự toán, giảm 10,8% so với cùng kỳ; trong đó khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 1.062 tỷ đồng, bằng 40,1% dự toán, giảm 6,4% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân giảm là do các gói chính sách hỗ trợ với tổng số tiền thuế, phí đã miễn giảm dự kiến khoảng 404,6 tỷ đồng, trong đó: số thu giảm do hoạt động kinh doanh Bất động sản giảm (4 tháng chỉ có 61 đơn vị nộp ngân sách với số tiền 29,9 tỷ đồng, giảm 60,3% so cùng kỳ với số tuyệt đối giảm là 45,3 tỷ đồng); giảm do khó khăn nội tại của nền kinh tế (xuất nhập khẩu giảm kéo theo số nộp ngân sách giảm 18,8 tỷ đồng; yếu tố thời tiết không thuận lợi là nguyên nhân khiến số thu các doanh nghiệp ngành nông lâm nghiệp và thủy sản giảm 12 tỷ đồng; ngoài ra, do tình hình thị trường tiêu thụ và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm dẫn đến số thu giảm 15 tỷ đồng).

Ngoài ra, số thu NSNN giảm còn do sụt giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất 1 lần. Tiền sử dụng đất giảm 1.762,3 tỷ đồng, dẫn đến thuế TNCN từ thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản giảm 24,9 tỷ đồng và lệ phí trước bạ nhà đất giảm 18 tỷ đồng. Tiền thuê đất 1 lần giảm so cùng kỳ 67,8 tỷ đồng./.