Mục tiêu thực sự của OPEC+

Ngày 2/4, OPEC+ (gồm 13 thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC và 10 quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới: Nga, Azerbaijan, Oman, Sudan…) bất ngờ tuyên bố tự nguyện cắt giảm hơn 1,1 triệu thùng dầu/ngày kể từ tháng 5 cho tới cuối năm nay. Việc cắt giảm sản lượng lần này bao gồm mức giảm tự nguyện 1,16 triệu thùng mỗi ngày sẽ có hiệu lực vào tháng 5, ngoài ra Nga cũng đang kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng 500 nghìn thùng/ngày trong thời gian còn lại của năm.

Cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ và châu Âu khó khăn hơn khi OPEC+ cắt giảm sản lượng
Cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ và châu Âu khó khăn hơn khi OPEC+ cắt giảm sản lượng. Ảnh: TL

Lý do mà OPEC+ đưa ra là nhằm đảm bảo sự ổn định trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Đại diện Bộ Năng lượng Ả rập Xê út – quốc gia đi đầu trong việc cam kết cắt giảm lần này mô tả đây là “biện pháp phòng ngừa” nhằm gia tăng sự ổn định của thị trường dầu mỏ. Sản lượng bị cắt giảm chiếm chưa đến 5% sản lượng trung bình 11,5 triệu thùng mỗi ngày của quốc gia tây Á này năm 2022. Trong khi đó, Mỹ bác bỏ quan điểm này của OPEC+, phản ứng này của Mỹ cũng giống với những lần OPEC+ cắt giảm sản lượng trước đây.

Theo Goldman Sachs, động thái này của OPEC+ là bất ngờ nhưng “phù hợp với học thuyết mới của nhóm này là hành động phủ đầu để đạt mục tiêu nhưng không mất thị phần một cách đáng kể”. Giá dầu theo đó có thể được đẩy lên 95 USD/thùng vào tháng 12 tới khi khối này tiếp tục duy trì việc cắt giảm sản lượng.

Theo nhật báo WSJ, quyết định cắt giảm sản lượng lần này là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy Ả rập sẵn sàng làm những gì cần thiết để duy trì mức giá dầu có lợi, nhằm huy động nguồn lực tài chính cho những siêu dự án như: khu nghỉ dưỡng ở Biển Đỏ có diện tích bằng cả nước Bỉ, có các khách sạn được xây dựng trên mặt nước và thành phố công nghệ cao trên sa mạc, lớn gấp 33 lần thành phố New York.

Farouk Soussa, chuyên gia kinh tế về Trung Đông và Bắc Phi tại Goldman Sachs cho biết, Ả rập thường ít đặt lợi ích kinh tế của mình nhằm hỗ trợ Mỹ, không giống với trước đây. Ông nói: “Quốc gia này phải đề phòng các kịch bản không mấy khả quan, như suy thoái kinh tế toàn cầu và những tác động với nhu cầu năng lượng – yếu tố có thể khiến giá dầu giảm xuống dưới mức trung bình hàng năm là 80 USD/thùng”.

Có thể nói, với bước đi lần này, OPEC+ đã đặt cược vào nhu cầu sử dụng dầu của Trung Quốc - vốn là quốc gia sử dụng nhiều nhất loại nhiên liệu này sẽ tăng lên cao, sau quyết định mở cửa nền kinh tế hồi đầu năm và đủ bù đắp được sự sụt giảm về nhu cầu do giá tăng của phần còn lại, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu.

Trong khi đó, theo một nhà phân tích, động thái này cho thấy mối quan hệ giữa Washington và Riyadh đang nguội lanh, khi Ả rập Xê út tiếp tục tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu, bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ chính quyền của Tổng thống Biden. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 6 tháng, Ả rập bỏ qua những mối lo ngại của Mỹ về việc giá dầu tăng cao.

Cuộc chiến chống lạm phát sẽ khó khăn hơn

Một thực tế rất rõ ràng rằng là khi giá dầu mỏ tăng sẽ đẩy giá xăng, dầu – vốn là những nhiên liệu chính của hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân tăng lên. Thực tế, ngay trong sáng ngày 3/4, tức chỉ 1 ngày sau quyết định trên, giá xăng tại Mỹ đã tăng khoảng 8 xu/gallon, tương đương khoảng 3%. Trong trường hợp các cam kết này được thực hiện đầy đủ đến cuối năm sẽ là lực cản đối với cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ và châu Âu.

Cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ và châu Âu khó khăn hơn khi OPEC+ cắt giảm sản lượng
Mỹ đang phải nỗ lực căng mình trong cuộc chiến chống lạm phát thời gian qua. Ảnh: TL

Có thể nói, động thái này của OPEC+ được đưa ra trong thời điểm “chưa khi nào tồi tệ hơn” đối với Mỹ và châu Âu, khi mà cả 2 đang phải nỗ lực căng mình trong cuộc chiến chống lạm phát thời gian qua.

Mặc dù đã có những kết quả nhất định khi tại Mỹ lạm phát tháng 2/2023 đã hạ xuống chỉ còn 6%, giảm 34,1% so với mức đỉnh 9,1% hồi tháng 6 năm ngoái. Khu vực đồng Euro cũng ghi nhận mức lạm phát tháng 3/2023 ở mức 6,9% giảm mạnh so với mức 8,5% hồi tháng trước và giảm tới 37,8% so với mức đỉnh 11,1% vào tháng 10 năm ngoái. Tại Anh, lạm phát thậm chí còn tăng nhẹ lên mức 10,4% từ mức 10,1% của tháng 1.

Tuy nhiên, mức lạm phát trên, còn cách rất xa so với mục tiêu đưa lạm phát về mức 2% của các chính phủ và sẽ còn cần nhiều thời gian cũng như các biện pháp thắt chặt để đạt mục tiêu trên.

Các chính phủ đã phải chấp nhận những rủi ro về suy thoái kinh tế để đẩy mức lãi suất lên cao, nhằm đạt được mục tiêu kìm chế lạm phát. Trong khi Mỹ đã 9 lần liên tiếp tăng lãi suất, đưa lãi suất từ 0-0,25% đầu năm ngoái lên mức 4,75-5% vào tháng 3 năm nay, thì EU cũng đã tăng lãi suất lên mức 3,5% vào giữa tháng 3, trong khi đó ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã có tới 12 lần tăng lãi suất và đưa lãi suất lên mức 4,25%. Tuy nhiên, với việc giá dầu có thể tăng lên trong thời gian tới như dự báo của các chuyên gia thì con đường kiểm soát lạm phát sẽ còn nhiều khó khăn.

Sau ảnh hưởng của các vụ sụp đổ của các ngân hàng tại Mỹ và châu Âu trong tháng 3 vừa qua, FED và ECB được cho là đã có những bước đi thận trọng hơn trong quyết định tăng lãi suất của mình (FED tăng lãi suất 0,25 điểm % trong kỳ họp tháng 3, trước đó thị trường dự báo là tăng 0,5 điểm %, trong khi ECB để ngỏ khả năng về việc tăng lãi suất thời gian tới). Tuy nhiên, với quyết định này của OPEC+, nhiều chuyên gia thị trường đã thay đổi quan điểm khi cho rằng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào kỳ họp tháng 5 thay vì không tăng như dự báo sau sự sụp đổ của các ngân hàng hồi tháng 3 và sẽ chưa dừng việc tăng lãi suất trong năm nay (dự báo sau sự kiện các ngân hàng là sẽ dừng tăng, thậm chí đảo chiều giảm lãi suất vào cuối năm).