Vai trò to lớn của báo chí

Gần một thế kỷ trôi qua, báo chí luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ đã khẳng định vai trò to lớn của báo chí trong sự nghiệp chung của đất nước.

Riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cao nhất, đương nhiệm đã có những lời tâm huyết đối với báo chí. Phát biểu tại Đại hội lần thứ X của Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh và cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu của công cuộc đổi mới. Đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, các giới đồng bào. Báo chí kịp thời phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, những thói hư tật xấu trong xã hội; phê phán, bác bỏ những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch, góp phần vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới”.

Báo chí đồng hành cùng các sự kiện của đất nước.
Báo chí đồng hành cùng các sự kiện của đất nước.

Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ, báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác thông tin về chủ quyền biển đảo, thông tin tuyên truyền đối ngoại, thông tin về những thành tựu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ra thế giới, thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Hay như phát biểu tại lễ Trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - 2020, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Kế thừa những di sản tư tưởng và thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, nhiều nhà báo đang ngày ngày dấn thân vào thực tiễn đời sống, phản ánh những vấn đề nóng hổi nhất của xã hội, giới thiệu, lan tỏa những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, nêu gương người tốt, việc tốt, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, làm giàu vốn văn hóa quốc gia, hướng đến sự nhân văn của con người”.

Báo chí gắn bó, đồng hành cùng đất nước đổi mới

Không chỉ là sự ghi nhận những cống hiến mà từ chỗ nhận rõ vai trò thiết yếu, quan trọng của báo chí, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, Nhà nước đã thể chế hoá nghị quyết của Đảng, ban hành Luật Báo chí và nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để báo chí hoạt động vì đất nước, vì nhân dân. Đồng thời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng thường xuyên quan tâm, tổ chức thăm hỏi, gặp mặt lực lượng làm báo nước nhà, động viên các chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, truyền thông xông trận trong thực tiễn đổi mới đất nước đầy cam go, thử thách.

Báo chí cổ vũ các nhân tố mới, diển hình tiên tiến

“Báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh và cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu của công cuộc đổi mới. Đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, các giới đồng bào. Báo chí kịp thời phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, những thói hư tật xấu trong xã hội; phê phán, bác bỏ những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch”. - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Phát biểu tại buổi gặp mặt đại biểu báo chí nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chính phủ luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, thách thức, đánh giá cao và có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan báo chí. Chính phủ mong muốn nhận được sự ủng hộ, góp ý của các nhà báo để xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hiểu dân và gần dân, tất cả vì lợi ích của quốc gia, vì dân tộc, lợi ích của nhân dân”.

Phát biểu tại buổi thăm và làm việc với Báo Nhân Dân, trong dịp 21/6/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: “Báo chí là cầu nối hữu hiệu giữa Quốc hội và hoạt động của Quốc hội với nhân dân, cử tri cả nước, là kênh để Quốc hội hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân”.

Người làm báo phải luôn tự “soi mình”

Báo chí Việt Nam đã có một lịch sử vẻ vang, góp công lớn vào sự nghiệp cách mạng chung của Đảng và nhân dân. Tuy nhiên, trong sự nghiệp đổi mới, do những bất cập về thể chế pháp luật, do sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, doanh nhân… trong đó có cả những người làm báo.

Thực tiễn hoạt động báo chí đang phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn. Câu chuyện về kinh tế báo chí sau đại dịch Covid-19 và xu thế chuyển đổi số, cùng với sự suy thoái ở một số bộ phận không nhỏ trong đội ngũ những người làm báo đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải nhận diện và có giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Trong phạm vi bài viết này xin đề cập đến hai vấn đề cần lưu ý:

Một là, báo chí cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Do vậy, không thể nói báo chí Việt Nam là quyền lực thứ tư. Có khi một bài báo có thể tiếp thêm sức mạnh, thúc đẩy cả một phong trào, như là những lời hịch non sông, kêu gọi toàn dân hành động. Có khi một bài báo giác ngộ, thức tỉnh, ngăn chặn được sai lầm, vạch rõ lỗi lầm của cả một tập thể. Có khi một bài báo viết sai sự thật gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, cá nhân…

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vô cùng khốc liệt, báo chí có vai trò hết sức quan trọng. Tại hội nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 5 - 6/9/2017 chuẩn bị cho việc sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng, có đại biểu Quốc hội cho rằng, các đoàn kiểm tra, thanh tra “binh hùng tướng mạnh”, nhưng hiệu quả đạt được không cao, có khi không bằng một bài báo, không bằng hoạt động tác nghiệp của một phóng viên. Báo chí có sức mạnh riêng có của nó, có tác động hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, nhưng ở nước ta, nói báo chí là quyền lực thứ tư là sự ngộ nhận. Quyền lực của báo chí cũng là một thứ quyền được Đảng và nhân dân trao cho để phục vụ sự nghiệp chung.

Hai là, trong thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay, đang có những biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích, chưa thực hiện đầy đủ, đúng đắn chức năng nhiệm vụ của báo chí. Thậm chí là có những tác phẩm báo chí vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Tiêu cực trong hoạt động báo chí đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Hoạt động tuyên truyền của không ít cơ quan báo chí bị thương mại hoá, bị thao túng bởi lợi ích riêng.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, làm thế nào để báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích một cách khách quan, công tâm, có tác động tích cực đối với đời sống xã hội. Giải quyết được câu hỏi này, Đảng, Nhà nước cần giải quyết vấn đề gốc, đồng thời có sự đổi mới cơ chế, chính sách phù hợp và kỷ cương đối với báo chí. Các cơ quan lãnh đạo, quản lý, chủ quản báo chí cần phải đối mặt và có biện pháp hiệu quả với sự suy thoái nghiêm trọng của một bộ phận làm báo hiện nay. Lực lượng làm báo phải được sàng lọc, thanh lọc, được đào tạo nâng cao bản lĩnh, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp và luôn luôn soi mình giữ trọn đạo làm báo.