“Đau đầu” xử lý tang vật bị tịch thu
“Đau đầu” xử lý tang vật bị tịch thu

Nhiều trường hợp gặp khó

Cách đây 2 năm, tháng 3/2022, một vụ buôn lậu gỗ lớn bị phát hiện. Khi đó Công ty TNHH MTV Anh Pháp Việt đã làm thủ tục xuất một lô hàng gỗ sang Trung Quốc. Song, do không đủ điều kiện để giám sát nhập khẩu gỗ, nên lô hàng bị trả lại và tái nhập qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và bị phát hiện, bắt giữ do có dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng nhận thấy, số lượng hàng hoá trên phương tiện vận chuyển không đúng với số lượng đăng ký thủ tục xuất khẩu.

Theo khai báo, lô hàng có tổng số 1.160 lóng/thanh gỗ trắc tròn, gỗ trắc tận dụng gốc cành ngọn chưa qua gia công chế biến. Thực tế lại phát hiện 289 lóng gỗ trắc tròn, gỗ trác hộp, gỗ trắc hình thù phức tạp. Đây là các sản phẩm thuộc trường hợp phải có giấy phép xuất khẩu, song doanh nghiệp này không xuất trình được. Vụ việc đã bị khởi tố ngay sau đó. Tuy nhiên, phức tạp ở chỗ, cơ quan điều tra mất vài năm vẫn chưa thể kết thúc bởi 289 lóng gỗ tang vật không xác định được thuộc “loại” nào để bàn giao cho đơn vị xử lý.

Một vụ việc tương tự, Hải quan Nghệ An bắt giữ được 2 vụ vi phạm, tịch thu 0,979 m3 gỗ đinh hương và 640 kg gỗ trắc. Ngay sau đó, đơn vị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu tang vật. Trên cơ sở quy định hiện hành về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, cơ quan chức năng đã duyệt chuyển giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vậy nhưng, Chi cục Kiểm lâm lại không tiếp nhận với lý do: Tang vật gỗ bị tịch thu trong 2 vụ trên không phải là “hàng lâm sản quý hiếm không được sử dụng vào mục đích thương mại”. Nguyên do của việc này là do sự phân định chủng loại đang có sự mâu thuẫn.

Không chỉ mặt hàng gỗ, một số trường hợp tịch thu được phương tiện mô tô, ô tô có số khung xe bị tẩy xóa, đục lỗ. Về cơ bản, xe không thể xác định được số khung nguyên bản, nên không có cơ sở để xác định năm sản xuất, nước sản xuất, do đó, xe không thể đăng ký lưu hành, dẫn đến bán đấu giá không thành công. Ở nhiều cơ quan, số lượng phương tiện ở dạng này cũng đang “đắp chiếu” không ít.

Đã đến lúc sửa các quy định không còn phù hợp

Qua thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính và xử lý tang vật tịch thu có thể thấy một số căn cứ pháp lý và biểu mẫu đang áp dụng đã không còn phù hợp. Ví dụ, trong lĩnh vực hải quan, cần sửa Quyết định số 166/QĐ-TCHQ hướng dẫn trình tự, thủ tục, giải quyết khiếu nại căn cứ trên các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực để phù hợp với thực tế, đảm bảo tính thông suốt trong quá trình xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, việc cập nhật thông tin vi phạm hành chính vào Hệ thống quản lý vi phạm 14 theo quy định tại Quyết định số 150/QĐ-TCHQ ngày 28/1/2022 của Tổng cục Hải quan là khâu quan trọng cần quyết liệt triển khai. Quán triệt công chức thực hiện cập nhật đầy đủ, kịp thời và nghiêm túc.

Về quản lý chung cũng có nhiều vấn đề cần bàn. Chẳng hạn như Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và thời hạn ra Quyết định xử phạt trong trường hợp phải thực hiện việc xác minh tình tiết vụ việc đối với “sự kiện bất khả kháng” như thiên tai, dịch bệnh... Thêm nữa, việc xác minh tình tiết trong trường hợp này rất khó thực hiện, vì trên thực tế nhiều đối tượng vi phạm hành chính ở những vùng bị thiên tai, dịch bệnh bị cách ly, bị phong tỏa không thể ra khỏi khu vực bị cách ly, phong tỏa... để đến làm việc trực tiếp tại trụ sở của cơ quan đang xử lý vụ việc, hoặc không thể ủy quyền cho người đại diện đến làm việc với cơ quan đang xử lý vụ việc.

Chưa kể, cơ quan chức năng không thể đến trực tiếp tại địa phương nơi đối tượng vi phạm hành chính đang cư trú. Vì vậy, quá trình xử lý vi phạm hành chính khó đảm bảo tuân thủ đúng thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (tối đa 60 ngày, kể từ ngày tạm giữ), hoặc thời hạn ra quyết định xử phạt phạm hành chính.

Một số đơn vị đề nghị tăng thời hạn chuyển hồ sơ vụ việc vượt thẩm quyền từ “thời hạn 24 giờ” lên “thời hạn 48 giờ” để phù hợp với thực tế. Đồng thời, quy định, hướng dẫn việc xử lý tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu đối với các loại sản phẩm hàng hóa có quy chuẩn kỹ thuật, hoặc mặt hàng có khả năng gây mất an toàn như: mỹ phẩm, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, nồi cơm điện, điều hòa... theo hướng, đối với các vụ việc có số lượng tang vật nhỏ lẻ, giá trị thấp hơn nhiều so với chi phí kiểm nghiệm thì xử lý theo hình thức tiêu hủy.

Xử lý sớm các vướng mắc

Vừa qua, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tiến hành tổng hợp các vấn đề vướng mắc để trình Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có phương án xử lý để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới.