Khó khăn xử lý tang vật, phương tiện vi phạm
Cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo quản và xử lý tang vật trong các vụ việc. Ảnh: Thu Hằng

Bất cập trong quy định xử phạt

Theo phản ánh từ Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, chính sách pháp luật chưa đồng bộ, còn những bất cập chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đơn cử như chính sách pháp luật chưa có hướng dẫn, giải thích chi tiết khái niệm quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2022 “vi phạm hành chính nghiêm trọng", “vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc hàng hóa lớn”, “có nhiều tình tiết phức tạp”; chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc xác định số thu lợi bất hợp pháp nên việc xử lý vi phạm rất khó khăn. Bên cạnh đó là bất cập trong quy định liên quan về thời gian, thời hạn xử phạt hành chính.

Ngoài ra, nhiều quy định của pháp luật còn chưa đáp ứng với diễn biến tình hình thực tế. Một ví dụ được Ban Chỉ đạo 389 Hải Phòng nêu ra, đó là chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ để phục vụ công tác thống kê, quản lý, tra cứu và xử lý vi phạm hành chính, nên việc xử lý vi phạm này chưa được theo dõi, quản lý và lưu trữ thống nhất nên mỗi ngành, mỗi lực lượng chức năng phải quản lý, theo dõi riêng. Điều này dẫn đến việc tra cứu phục vụ cho việc xử lý vi phạm hành chính gặp rất nhiều khó khăn.

Hay tại điểm b, khoản 65, Điều 1 của Luật số 67/2020/QH14, ngày 13/11/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 126 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng… Quy định như vậy chưa phù hợp với một số tang vật vi phạm có tính đặc thù dễ hư hỏng, ảnh hưởng đến giá trị sử dụng, thời hạn quá lâu (1 năm) sẽ không còn giá trị sử dụng nên phải tiêu hủy, không thể bán phát mại thu ngân sách nhà nước, gây lãng phí tài sản tịch thu.

Còn theo Ban Chỉ đạo 389 Quảng Ninh, hoạt động tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan gặp nhiều khó khăn khi thực hiện Thông tư số 09/2020/TT-BCT ngày 14/5/2020 của Bộ Công thương quy định lộ trình áp dụng cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu qua biên giới đất liền đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan. Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2021 hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính theo quy định; các lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra nhãn mác, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa…

Chủ động phát hiện, ngăn ngừa vi phạm

Quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm cũng gặp một số vấn đề như khó chứng minh do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức để tịch thu tang vật, phương tiện; cách hiểu, cách áp dụng khác nhau giữa các địa phương khi tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Liên quan nội dung này, Ban Chỉ đạo 389 Long An nêu một thực trạng nhức nhối là hiện nay, việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn, nhất là việc kiểm tra về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Do đối tượng kinh doanh không có điểm kinh doanh cố định; chủ yếu thuê địa điểm để trưng bày, giới thiệu hàng hóa (hàng hóa để ở một địa điểm khác); không mở điểm kinh doanh; không đăng ký kinh doanh; phần lớn các cá nhân kinh doanh tự phát, hộ gia đình…

Việc xử lý tang vật vi phạm không xác định chủ sở hữu sau 1 năm tạm giữ mới ra quyết định tịch thu thì giá trị hàng hóa sau khi có quyết định xử lý tịch thu bị giảm. Một số hàng hóa tạm giữ sau 1 năm không còn giá trị sử dụng; tăng chi phí thuê kho bảo quản tang vật, gây nên tình trạng lãng phí của cải vật chất bị tịch thu sung quỹ nhà nước. Mặt khác, hiện nay trên địa bàn tỉnh các lực lượng chức năng chưa có kho bảo quản tang vật vi phạm bảo đảm đúng quy định.

Những bất cập nêu trên đã tạo nên “khe hở” để các đối tượng lợi dụng vi phạm gian lận thương mại, trốn thuế, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý.

Đối với những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố chỉ đạo, xử lý kịp thời.

Những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị về văn bản, quy phạm pháp luật vượt thẩm quyền, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tiến hành tổng hợp, trình Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có phương án xử lý để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới.

Trước mắt, để thực hiện hiệu quả công tác này, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vẫn đề nghị các ngành, lực lượng thành viên căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nắm tình hình nhận diện, phát hiện và xử lý sớm các vấn đề nổi cộm, phức tạp, triển khai thực hiện các kế hoạch chuyên đề đã xây dựng nhằm phát hiện xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp để răn đe, phòng ngừa...

Phối hợp mọi mặt trong chống buôn lậu, gian lận thương mại

Các ngành, lực lượng thành viên tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu để phục vụ mục tiêu chung trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp thực hiên công tác tuyên truyền theo phương châm tăng cường về tần suất, đa dạng về hình thức, đảm bảo nội dung và chất lượng tuyên truyền...