Xử lý bất cập biển báo đường bộ giúp giao thông thuận tiện
Cầu Yên Mỹ thuộc dự án Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Thanh Hóa. Ảnh: QUỲNH NGỌC

Khắc phục 8.996 biển báo ảnh hưởng đến người tham gia giao thông

Theo Bộ Xây dựng, qua tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị gửi về cho thấy trên cả nước có 10.520 vị trí biển báo có mức độ bất cập khác nhau. Hiện các đơn vị chức năng đã khắc phục được 8.996 biển báo (86%) ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, an toàn giao thông; còn lại 1.524 biển báo (14%) không thuộc trường hợp bất cập, nhưng cần một số giải pháp điều chỉnh để tăng cường hiệu quả (nhiều trường hợp phản ánh biển báo đúng và đủ, nhưng lắp đặt trên cột, cần đầu tư giá long môn để treo, lắp biển báo trên giá long môn cho các phương tiện tham gia giao thông dễ quan sát hơn). Các biển báo này sẽ tiếp tục bổ sung khắc phục sau khi được bổ sung ngân sách nhà nước và nguồn lực khác để thực hiện trong năm 2025 hoặc đưa vào kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ thực hiện trong năm 2026.

Tổ chức, quản lý thu phí sử dụng đường bộ cao tốc

Bộ Xây dựng đã phê duyệt Đề án Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Cục Đường bộ Việt Nam được giao tổ chức thu phí đối với các tuyến cao tốc nêu trên sau khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 130/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, tổ chức, quản lý thu phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định của pháp luật hiện hành. Về mức phí, đối với 4 tuyến cao tốc có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp không liên tục là: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại Luật Đường bộ sẽ có mức phí là 900 đồng/km. Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện triển khai thu phí (đường cao tốc có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục) sẽ có mức phí là 1.300 đồng/km.

Thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ xử lý đối với các biển báo hiệu còn tồn tại hoặc hạn chế về hiệu quả cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông. Bộ cũng xác định đây là nhiệm vụ có tính chất thường xuyên, liên tục, cần phải thực hiện nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được an toàn, thông suốt.

Về xây dựng hệ thống giao thông thông minh, Bộ Xây dựng đã và đang chỉ đạo chủ đầu tư các dự án xây dựng đường cao tốc triển khai xây dựng các trung tâm quản lý, điều hành giao thông đường cao tốc; đối với các tuyến đường cao tốc hiện đang khai thác sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung hệ thống quản lý giao thông thông minh để phục vụ khai thác.

Ngoài ra, tại các đô thị, các tuyến đường địa phương, UBND các cấp căn cứ quy định của Luật Đường bộ, pháp luật khác liên quan sẽ có trách nhiệm đầu tư xây dựng các trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh tại đô thị.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam

Bộ Xây dựng cũng cho biết, sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm dừng nghỉ tuyến cao tốc Bắc - Nam để tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông. Theo ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, đối với 3 trạm gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt đã ký hợp đồng xây dựng tháng 8/2024. Hiện trạm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Diễn Châu - Bãi Vọt đã có ý kiến của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với công tác san nền từ tháng 5/2025. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư chưa phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở.

Đối với 4 trạm ký hợp hợp đồng tháng 3/2025, đến nay mới có 2 trạm Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng trình hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi. 2 trạm Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Bùng - Vạn Ninh chưa trình hồ sơ, tiến độ thực hiện của các trạm này là rất chậm, nguy cơ không đáp ứng tiến độ theo hợp đồng; 2/4 trạm chưa hoàn thành thủ tục về đánh giá tác động môi trường.

Cũng theo ông Ngô Lâm, để hoàn thành các trạm dừng nghỉ đúng tiến độ hợp đồng, đáp ứng yêu cầu, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Ban Quản lý dự án 2, 6, Thăng Long chủ trì cùng với nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng; sớm cung cấp thông tin tài khoản nộp giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để nhà đầu tư chuyển nộp theo quy định của hợp đồng ký kết.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, toàn bộ các trạm phải hoàn thành các hạng mục công trình dịch vụ công trước ngày 30/12/2025 để bảo đảm khai thác đồng bộ đường cao tốc./.