thông tư liên tịch

Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ KH&CN ký kết Thông tư liên tịch 27 sáng 30/12. Ảnh: NM.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học

Theo Thông tư liên tịch số 27 vừa được hai Bộ ký kết, các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ được cơ quan quản lý kiểm soát từ khâu xác định, tuyển chọn đến xây dựng dự toán.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, Thông tư liên tịch 27 được ban hành (thay thế cho Thông tư 93) có ý nghĩa vô cùng to lớn, điều này cho thấy chính sách về đầu tư cho KH&CN đã tiếp cận được với nền kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Việc đổi mới cơ chế khoán chi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tạo động lực cho phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây như một món quà năm mới rất ý nghĩa dành cho các tổ chức làm công tác khoa học, cũng như cá nhân các nhà khoa học”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua xã hội rất quan tâm đến vấn đề đầu tư cho khoa học công nghệ, nhiều ý kiến cho rằng cơ chế tài chính dành cho khoa học quá chặt chẽ, không khuyến khích được các tổ chức, cá nhân làm công tác khoa học. Vì thế, Bộ Tài chính và Bộ KH&CN đã có nhiều cuộc họp, nghiên cứu thể tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học phát triển.

“Sau 2 năm nghiên cứu, triển khai, Thông tư liên tịch số 27 ra đời đã tạo điều kiện, thúc đẩy việc nghiên cứu, đưa các sản phẩm KHCN vào cuộc sống. Tổ chức, cá nhân hoàn toàn có thể tự chủ, tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình đối với Nhà nước và xã hội”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Đảm bảo sử dụng NSNN hiệu quả

Thực hiện ngay từ 1/2/2016

Thông tư Liên tịch số 27 có hiệu lực từ ngày 1/2/2016 và sẽ thay thế các nội dung đã quy định tại Thông tư liên tịch số 93 của liên Bộ Tài chính và Khoa học Công nghệ hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án KH&CN đã ban hành.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Thông tư liên tịch số 27 quy định tổ chức, cá nhân làm công tác khoa học công nghệ sử dụng NSNN có thể thực hiện một trong hai phương thức: Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, hoặc khoán chi từng phần.

Với phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, sẽ được áp dụng đối với các nhiệm vụ được xác định rõ tên sản phẩm cụ thể; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được; số lượng quy mô sản phẩm tạo ra; địa chỉ ứng dụng; có tổng dự toán các khoản chi sửa chữa, mua sắm tài sản… không quá 1 tỷ đồng.

Sẽ áp dụng phương thức khoán chi từng phần đối với các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Với phương thức này, cơ bản các nội dung kinh phí được thực hiện khoán chi như: tiền công, hội thảo, đi lại…; không khoán chi đối với trường hợp mua nguyên, nhiên liệu, vật liệu, phụ tùng chưa được ban hành định mức về kinh tế kỹ thuật, sửa chữa, mua sắm tài sản cố định.

Về sử dụng kinh phí khoán, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, chủ nhiệm đề tài và tổ chức được thực hiện các khoản chi theo thực tế phát sinh để đáp ứng yêu cầu khoa học, không phụ thuộc vào định mức chi và dự toán của từng nội dung đã được duyệt trong tổng số các nội dung chi được giao khoán. Kinh phí giao khoán tiết kiệm nếu không chi hết được để lại cho tổ chức, người chủ trì quyết định phương án sử dụng.

Thông tư cũng quy định tổ chức, cá nhân nhà khoa học có thể tạm ứng kinh phí theo tiến độ hợp đồng nghiên cứu và phát triển KH&CN; thanh toán tạm ứng căn cứ vào bảng kê khối lượng công việc đã thực hiện; Kho bạc Nhà nước sẽ không kiểm soát chứng từ chi tiết.

Sau khi hoàn thành dự án và chương trình, tổ chức, cá nhân nhà khoa học có thể quyết toán kinh phí một lần và các bên tiến hành thanh lý hợp đồng; đối với nhiệm vụ được thực hiện trong nhiều năm, hằng năm chỉ cần gửi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về số kinh phí thực nhận, thực chi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, với việc quy định chi tiết, cụ thể này, Thông tư không chỉ tạo điều kiện thuận lợi, quyền chủ động cho các nhà khoa học, mà điều quan trọng hơn là đồng tiền mà Nhà nước bỏ ra thực sự phát huy hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục tiêu và đúng mục đích sử dụng./.

Nhật Minh