Đầu tư hiệu quả giúp tăng năng lực vận tải thủy
Cơ cấu đội tàu Việt Nam ngày càng hợp lý, đảm bảo năng lực vận chuyển hàng nội địa bằng đường biển. Ảnh: Hữu Thọ

Tiết giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), với hàng hải, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, vận tải hàng hóa lũy kế ước đạt 416 triệu tấn, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2023. Luân chuyển hàng hóa lũy kế ước đạt 88 tỷ tấn/km, tăng 14%. Trong đó, vận chuyển hàng đường biển tăng trưởng ấn tượng nhất với tỷ lệ 18,1% so với cùng kỳ. Vận chuyển hành khách đường biển cũng tăng 10,2%.

Sản lượng vận tải tăng mạnh

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, thời gian qua, sản lượng vận tải hàng năm tăng trưởng khoảng 9%, nhưng hàng hải và đường thủy nội địa luôn có mức tăng trưởng cao hơn các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường bộ. Điều đó cho thấy những chủ trương, giải pháp của cơ quan quản lý đã có hiệu quả.

Có thể nói, tăng trưởng của vận tải biển và đường thủy đóng góp phần lớn trong tiết giảm chi phí logistics. Nếu như, giai đoạn năm 2010 - 2016, tỷ lệ chi phí logistics so với GDP khoảng 20-21%, nhưng từ năm 2016 tới nay, hạ tầng kết nối cảng biển liên thông với các phương thức vận tải khác như đường bộ, đường thủy, hệ thống cảng cạn... đã giúp tỷ lệ này giảm còn khoảng 16,8%.

Hiện tại, Việt Nam có 3 cảng biển nằm trong nhóm 50 cảng biển có sản lượng container thông qua lớn nhất thế giới, gồm cảng biển TP. HCM (thứ 22), Hải Phòng (thứ 28), Cái Mép (thứ 32). Nhiều doanh nghiệp lớn như: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco), Hải An, Việt Thuận... từng bước ra khỏi giai đoạn khó khăn, kinh doanh có lãi.

Cùng đó, cơ cấu đội tàu của Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Đội tàu vận tải biển hiện đã đảm nhận được 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển cũng bắt đầu chạy các tuyến biển xa, tham gia thị trường nội Á.

Cũng theo Bộ GTVT, để có được kết quả này, thời gian qua, ngành GTVT đã chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải và kết nối tốt hơn giữa vận tải biển và vận tải thủy nội địa.

Hiện nay, hàng loạt dự án hạ tầng hàng hải công cộng đã và đang được Bộ GTVT triển khai như dự án đầu tư đê chắn sóng chắn cát, luồng hàng hải tại khu bến Lạch Huyện (tổng mức đầu tư gần 15.000 tỷ đồng), dự án đầu tư tuyến luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu (tổng mức đầu tư ban đầu gần 8.000 tỷ đồng), nâng cấp luồng Cái Mép... Đặc biệt, có tới 99,5% kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Nhiều cảng biển lớn như Liên Chiểu (Đà Nẵng), Cần Giờ (TP. HCM), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm đề xuất đầu tư. Tương tự, hạ tầng đường thủy nội địa từng bước giải quyết được những điểm nghẽn về luồng lạch, tĩnh không cầu.

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, hiện nay, hành lang vận tải thủy số 1 đang được tập trung nạo vét duy tu, nâng tĩnh không cầu. Tại miền Nam, dự án nâng cấp luồng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 với tổng kinh phí khoảng hơn 1.335 tỷ đồng đã hoàn thiện. Bộ GTVT cũng đang thực hiện dự án nâng độ cao tĩnh không và xây dựng mới 11 cây cầu đường bộ thuộc địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giúp khơi thông vận tải thủy trên toàn tuyến.

Phù hợp với định hướng phát triển xanh

Ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, thời gian qua, rất nhiều giải pháp, chính sách và cơ chế thúc đẩy phát triển hoạt động vận tải đã được Bộ GTVT và các cục chuyên ngành ban hành, nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân. Sự lớn mạnh của vận tải biển và vận tải thủy nội địa mang nhiều ý nghĩa trong chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Cùng một lượng hàng, nhưng khí phát thải khi vận chuyển bằng đường thủy chỉ bằng khoảng 1/3 so với đường bộ. Chính vì vậy, lĩnh vực đường thủy nội địa những năm qua đã được Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm, thay đổi nhiều về cơ chế, chính sách và nguồn vốn đầu tư để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ GTVT với sự tham mưu của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: kiến nghị TP. HCM, Hải Phòng miễn, giảm phí hạ tầng cảng biển với hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện đường thủy nội địa. TP. HCM và Hải Phòng đã giảm 50% phí hạ tầng cảng biển. Riêng TP. HCM giảm 100% phí hạ tầng cảng biển với hàng chuyển tải quá cảnh Việt Nam - Campuchia bằng đường thủy. Chính sách này có ý nghĩa lớn với các chủ hàng, doanh nghiệp vận chuyển hàng bằng đường thủy nội địa.

Bằng việc đầu tư luồng, bến, cảng, nâng cao tĩnh không cầu, khai thác tốt nhất hạ tầng hiện có, cải cách thủ tục hành chính, kết nối vận tải biển với đường thuỷ nội địa… thời gian gần đây, vận tải hàng hoá đang dần chuyển dịch từ đường bộ sang đường thuỷ.

Việc phát triển mạnh vận tải hàng hải và đường thủy không chỉ giúp giảm chi phí logistics mà còn rất đúng định hướng phát triển xanh theo mục tiêu của Chính phủ, khẳng định cam kết của Việt Nam tại COP26.

Tổ chức giao thông khoa học, bảo đảm an toàn giao thông tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh, quá trình khai thác cao tốc Cam Lộ - La Sơn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT), trong đó 2 vụ TNGT nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của chủ phương tiện. Quy mô mặt cắt ngang tuyến cao tốc nhỏ cùng với điều kiện địa hình dốc dọc lớn, nhiều sương mù che khuất tầm nhìn gây khó cho chủ phương tiện. Đặc biệt, xe tải nặng không đạt được tốc độ tối thiểu 60km/h, các xe sau chạy nối đuôi, làm giảm năng lực thông hành, làm ức chế cho xe chạy sau, dẫn tới vượt tại các điểm không được phép vượt gây hậu quả khôn lường.

Từ những lý do trên, để giảm thiểu tai nạn, cần phân lượng xe có tải trọng lớn, xe khách trên 30 chỗ ngồi ra quốc lộ (QL) 1. Hiện QL1 chưa mãn tải nên đảm bảo đủ điều kiện phân luồng.

Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan điều chỉnh, cập nhật, bổ sung kịp thời đinh phản quang tim đường, biển cảnh báo chỉ dẫn mắt phản quang hệ thống hộ lan, giúp cảnh báo cho phương tiện. Cần nghiên cứu thời điểm xảy ra tai nạn để phân luồng giao thông vì hầu hết các vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm. Đồng thời, nên bổ sung thêm ánh sáng, sóng điện thoại cho những điểm nguy cơ xảy ra tai nạn do đặc điểm thời tiết khu vực sương mù, dễ gây trơn trượt... Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam nhận định, từ thực tiễn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, cần tổ chức giao thông đảm bảo khoa học, phát huy hiệu quả trong khai thác và đảm bảo an toàn giao thông. Hiện cao tốc Cam Lộ - La Sơn có lưu lượng đạt 9.500 xe quy đổi/ngày đêm, trong khi thiết kế của tuyến đường này chỉ có 9.200/ngày đêm. Lưu lượng trên tuyến QL1 hiện đạt 26.000 xe quy đổi/ngày đêm, thiết kế của tuyến đường này là 31.000 xe/ngày đêm nên chưa mãn tải, nghĩa là còn dư 6.000 xe/ngày đêm, Việc phân luồng phương tiện tải trọng lớn, xe khách trên 30 chỗ ra QL1 là phù hợp. Cùng đó, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa hình phức tạp, khí hậu sương mù ẩm ướt, độ dốc dọc liên tục thay đổi lớn.

2 yếu tố trên là các nguyên nhân cần thiết phải có sự phân luồng xe tải trọng lớn, xe khách trên 30 chỗ, giúp đảm bảo ATGT trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Vì vậy, đơn vị tư vấn, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Khu Quản lý đường bộ 2 rà soát lại các số liệu đảm bảo độ chính xác và tính toán phương án phân luồng để tổ chức cắm biển phù hợp báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam trước khi triển khai chính thức.