Đây là chia sẻ của ông Nhữ Đình Hòa - Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) khi trao đổi với phóng viên về diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới và trong nước, cũng như một số giải pháp để hỗ trợ thị trường trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

* PV: Theo quan sát của ông, diễn biến bất thường của TTCK thế giới hiện nay có đáng lo ngại không?

Để thị trường diễn biến theo quy luật và tránh tác động hành chính
Về những giải pháp với thị trường, theo tôi vẫn là các giải pháp hướng đến sự phát triển bền vững của thị trường, dù trong ngắn hạn vẫn cần sự hỗ trợ đến nhà đầu tư, hỗ trợ các thành viên tham gia thị trường. Ông Nhữ Đình Hòa

- Ông Nhữ Đình Hòa: Thị trường thế giới trong quá khứ đã từng có những đợt sụt giảm mạnh như hiện nay. Đợt TTCK sụt giảm sâu như ngày thứ 2 đen tối 19/10/1987 do lo ngại kinh tế tăng trưởng chậm lại. Đợt sụt giảm sâu năm 2001 do sự bùng nổ đầu cơ các cổ phiếu công nghệ, dẫn tới việc cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ được định giá quá cao. Gần đây nhất là năm 2008 khi khi thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính có nguyên nhân đến từ khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ.

Dù có điểm chung là giảm điểm mạnh và nhanh, tuy nhiên nguyên nhân của đợt sụt giảm này lại khác hẳn những lần sụt giảm trước.

Cú sốc dịch bệnh đã tác động làm đứt đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu, tiếp sau nó lại làm giảm sức cầu trong nền kinh tế. Hoạt động kinh tế của nhiều ngành đã dừng lại quá nhanh và đột ngột, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu các chi phí như chi phí tài chính, chi phí nhân công… khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Nếu khó khăn kéo dài có thể đưa doanh nghiệp đến sát bờ vực phá sản.

Bên cạnh đó, các chính sách kinh tế có thể đã từng được áp dụng để đối phó với những đợt suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính, thiên tai, hay chiến tranh nhưng các chính sách kinh tế hiện đại dường như chưa lần nào ứng phó với dịch bệnh ở mức độ đại dịch lớn như Covid-19. Điều này tạo ra sự bất ổn lớn, khó đoán định và sự khác biệt của đợt sụt giảm này.

Tuy nhiên cũng có thể thấy quan điểm một số nước về việc đối phó với dịch bệnh là khác nhau và đương nhiên mức độ lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế cũng sẽ khác nhau. Trong những bối cảnh thông tin đo lường mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế thì đa phần các nhà đầu tư đều có những phản ứng phòng vệ và phản ứng phòng vệ này tạo ra hiệu ứng cộng hưởng dẫn đến sự sụt giảm của các thị trường đều ở mức lớn hơn.

BVSC
Trong hoàn cảnh nào thì sự minh bạch và thanh khoản của thị trường cũng là những yếu tố tạo ra sự yên tâm cho nhà đầu tư. Ảnh: DM.

* PV: Tâm lý của các nhà đầu tư đã phản ứng với những diễn biến của TTCK trong và ngoài nước ra sao, thưa ông?

- Ông Nhữ Đình Hòa: Những ngày đầu tiên của đợt sụt giảm mạnh, có lẽ sự bất ngờ đã đến với tất cả mọi nhà đầu tư trong và ngoài nước trên thị trường. Tuy nhiên đến giai đoạn hiện nay, các nhà đầu tư đã dần quen với bối cảnh mới. Nhà đầu tư đã nhận diện được rủi ro (dù chưa đánh giá toàn diện được tình hình) nên sự chủ động đã trở lại với đa phần nhà đầu tư.

* PV: Ở góc độ nhà đầu tư tổ chức, theo ông các giải pháp lúc này đối với TTCK Việt Nam là gì?

- Ông Nhữ Đình Hòa: Ở một số thị trường, việc đóng cửa hoặc ngắt mạch TTCK đã được thực hiện để giúp cho nhà đầu tư ổn định tâm lý và tránh bán tháo dây chuyền. Tuy nhiên, đối với TTCK Việt Nam, do thị trường áp dụng biên độ giá nên đây cũng đã là một biện pháp can thiệp tự nhiên rồi. Do vậy, việc cơ quan quản lý để TTCK diễn biến theo quy luật thị trường và tránh tác động hành chính làm méo mó quy luật này là hợp lý.

Trong hoàn cảnh nào thì sự minh bạch và thanh khoản của thị trường cũng là những yếu tố tạo ra sự yên tâm cho nhà đầu tư. Giai đoạn vừa qua cho thấy dù thị trường đã phát triển đến mức nào thì cũng chịu biến động mạnh và tiêu cực do dịch bệnh gây ra. Do vậy, những giải pháp với thị trường, theo tôi vẫn là các giải pháp hướng đến sự phát triển bền vững của thị trường, dù trong ngắn hạn vẫn cần sự hỗ trợ đến nhà đầu tư, hỗ trợ các thành viên tham gia thị trường.

Theo đó, cần đẩy mạnh các giải pháp giúp nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đó là việc giải quyết những nút thắt còn vướng theo các tiêu chí xếp hạng của hai tổ chức là FTSE và MSCI. Cụ thể, hiện thị trường Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí đạt tiêu chuẩn mà FTSE Russell đưa ra. Tiêu chí duy nhất không đạt là về thanh toán (Clearing & Settlement) T+2/T+3 chỉ ở mức hạn chế (Restricted).

Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống công nghệ, cải thiện được nền tảng giao dịch, thanh toán bù trừ. Việc này vừa giúp gia tăng sản phẩm, tiện ích cho nhà đầu tư, đẩy nhanh tần suất giao dịch, cải thiện thanh khoản. Triển khai thanh toán T-0 khi điều kiện cho phép. Với T-0, nhà đầu tư sẽ quản trị được rủi ro tốt hơn, đặc biệt khi thị trường xuất hiện các biến cố bất ngờ như những phiên giao dịch đầu tiên của kỳ nghỉ lễ. Bên cạnh đó, nếu T-0 được triển khai, vòng quay giao dịch tăng, thanh khoản thị trường cải thiện rất lớn sẽ tạo ra sự hấp dẫn hơn cho thị trường.

Bên cạnh đó, trong các giải pháp ngắn hạn, cơ quan quản lý có thể nghiên cứu, đề xuất, lên phương án để giảm hoặc miễn thuế giao dịch chứng khoán, thuế cổ tức cho nhà đầu tư trong một khoảng thời gian. Miễn hay giảm một phần thuế chứng khoán sẽ giống như một sự chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư, nhằm giữ chân và tạo ra được những thế hệ nhà đầu tư chuyên nghiệp hoạt động trong thị trường.

Ngoài ra, cần mở rộng khả năng tiếp cận vốn để mua chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường, như kéo dài hợp đồng vay ký quỹ (margin), hạ tỷ lệ ký quỹ, …

* PV: Xin cảm ơn ông!

N.A