Sáng 18/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam”.

Để tiến tới nền thực phẩm sạch, doanh nghiệp phải tiên phong dấn thân
Nông sản sạch là sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: NNK

Người nông dân cần nâng cao ý thức về sản xuất thực phẩm an toàn

Tại hội nghị, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong khi thế giới đang đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm bị gián đoạn, thì Việt Nam vẫn đảm bảo an toàn lương thực, thực phẩm (ATTP) cho người dân và có dư để xuất khẩu.

Trong đó, chuỗi thực phẩm tại Việt Nam đã từng bước được cải thiện về chất lượng, an toàn, minh bạch. Tuy nhiên, quy mô nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch. Tỷ lệ vi phạm ATTP, ngộ độc thực phẩm giảm, nhưng còn ở mức cao hơn so với các quốc gia phát triển.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, có 99,5% cơ sở sản xuất được chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 89% cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ cam kết tuân thủ quy định ATTP; 97,6% mẫu giám sát đạt yêu cầu ATTP; 12.582 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương; 86.384 ha diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2022 đạt 40,8 tỷ USD.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho hay, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam vẫn đang đối diện nỗi lo dư lượng. Điều đáng lo là tư duy sản xuất, kinh doanh ở nhiều cá nhân, tổ chức vẫn còn đang nặng tính đối phó. Nhiều người chưa thực sự ý thức làm chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiến tới xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch cho rằng, đang có sự bất hợp lý khi kêu gọi nông dân sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, thị trường đôi khi không chấp nhận sản phẩm VietGAP do nông dân làm ra.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, việc đảm bảo chất lượng, ATTP và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam phải là việc của mỗi người, của cả xã hội, cộng đồng cùng chung tay để thay đổi tư duy sản xuất, chứ không chỉ là trách nhiệm của người sản xuất, người nông dân, HTX, doanh nghiệp, địa phương hay chỉ là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, của cơ quan nhà nước.

Không những vậy, thời gian gần đây lại có những hành vi gian dối, đội lốt nhãn mác VietGAP để đưa hàng vào siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng. Việc này gây thiệt hại ngược lại cho những nông dân làm VietGAP chân chính, gây mất lòng tin của người tiêu dùng và xã hội.

Trong vấn đề kiểm soát ATTP, đảm bảo minh bạch nguồn gốc thực phẩm hiện nay, bà Minh nhấn mạnh, cần đề cao vai trò của tất cả các đơn vị, thành phần trong xã hội cùng tham gia. Các thương lái cần nâng cao nhận thức về ATTP, bởi vì họ cũng là thương nhân, là bộ phận rất quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội như Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng phải hỗ trợ cung cấp kiến thức, nhận diện ATTP và các mối nguy từ thực phẩm cho người dân. Người tiêu dùng là chốt chặn cuối cùng.

Để tiến tới nền thực phẩm sạch, doanh nghiệp phải tiên phong dấn thân
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NNK

Hướng dẫn người nông dân cho ra những sản phẩm sạch

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị, việc đảm bảo ATTP cần tránh tư duy khẩu hiệu. "Quản lý an toàn thực phẩm không phải đợi đến tháng hành động vì an toàn thực phẩm mới vào cuộc. ATTP là vấn đề của toàn xã hội, phải làm từng ngày, từng giờ và phải ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. ATTP là vấn đề lớn của thế giới, của những nước chậm phát triển và đang phát triển chứ không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Theo ông Lê Minh Hoan, thời gian qua thực phẩm bẩn, rau dỏm gắn mác VietGAP vào siêu thị gây ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng. Vì vậy, để định hướng lâu dài, cần có cách tiếp cận khác. Chẳng hạn thay vì chỉ cơ quan quản lý giám sát, doanh nghiệp phải là đơn vị tiên phong dấn thân làm, hướng dẫn, đặt hàng người nông dân để cho ra những thực phẩm, nông sản sạch.

"Tôi nói có thể nông dân không nghe, nhưng các doanh nghiệp - đầu mối mua hàng - hướng dẫn, đưa ra các yêu cầu để hợp tác làm nông sản sạch, họ sẵn sàng hưởng ứng nhiệt tình" - ông Hoan nói.

Theo ông, bước đầu doanh nghiệp có thể làm việc với nông dân ở quy mô nhỏ, sau đó mở rộng dần khi tất cả đã vào guồng. "Khi mọi thứ đã theo quy trình và cả hai đều hướng tới người tiêu dùng, sản phẩm làm ra dù giá cao vẫn được đón nhận" - ông Hoan khẳng định.

Cùng với đó, doanh nghiệp và nông dân cũng nên hợp tác bằng tư duy tạo ra chuỗi giá trị chung như mô hình trên, thay vì chỉ mua đứt bán đoạn.

Trước đó, 17/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã có buổi thị sát tại loạt địa điểm nằm trong chuỗi giá trị thực phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh như: Chợ đầu mối Bình Điền, MM Mega Market, Co.op Extra, Nông trại Nông Phát (Hóc Môn), WinEco (Củ Chi). Với một loạt doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh mà Bộ trưởng đi thị sát, ông nhận xét không thấy doanh nghiệp nào làm việc mà có hình ảnh người nông dân trong đó cả.

Ông Hoan dẫn chứng câu chuyện Công ty Ba Huân đang làm, đó là việc liên kết với nông dân, đưa hình người nông dân vào sản phẩm; hay những nông dân ở Đà Lạt, Bạc Liêu đã liên kết cùng doanh nghiệp. Vai trò của doanh nghiệp ở đây không chỉ là mua hàng của bà con, mà còn giúp họ tri thức hóa, chuyên nghiệp hóa.

Dần chuyển từ khuyến khích sản xuất nông sản sạch sang bắt buộc

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện dần các quy định về ATTP, tiêu chuẩn nông sản sạch. Bộ cũng dần chuyển hoạt động khuyến khích sản xuất thực phẩm sạch trong nông nghiệp sang bắt buộc, bắt đầu từ quy mô nhỏ, rồi dần chuyển sang diện rộng, đồng thời siết chặt các chứng nhận nông sản, chuẩn hóa lại quy trình kiểm nghiệm để nông dân và doanh nghiệp dễ dàng thực thi hơn.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã và đang rà soát lại tất cả tiêu chuẩn, quy định, chế tài của ngành, sau đó sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi cho phù hợp để nông nghiệp Việt có những bước chuyển mình mới.