Đã “tròn vai” khi góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện các nghị định về ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) trong thời gian qua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường xuất khẩu, hạn chế việc nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Theo đó, mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu MFN quy định tại các nghị định đảm bảo phù hợp với cam kết cắt giảm thuế quan trong WTO và các cam kết quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên; tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất quy định tại Điều 11 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; đảm bảo duy trì lợi ích quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc thực hiện các nghị định về biểu thuế đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy xuất khẩu; hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Qua đó, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Theo thống kê, năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đạt 282,4 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu (KNNK) đạt 262,7 tỷ USD. Năm 2021, tổng KNXK đạt 335,5 tỷ USD, tổng KNNK đạt 299,8 tỷ USD, tăng 14,1% so với năm 2020.

Các chính sách giảm thuế đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Các chính sách giảm thuế đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Đáng chú ý, giai đoạn 2020 - 2021, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN của một số nhóm mặt hàng quan trọng, thiết yếu như thép, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, lúa mỳ, ngô, thịt lợn, trang thiết bị y tế... đã hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và sự tăng giá liên tục của những hàng hóa này trên thị trường trong nước và thế giới.

Việc thực hiện chương trình ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô và chương trình ưu đãi thuế đối với công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp ô tô từ năm 2018 đến nay đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách. Kết quả thực hiện các chương trình này đã nhận được sự đánh giá cao của các bộ, ngành và các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hàng rào bảo hộ về thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc dần xóa bỏ do thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thành lập các khu vực mậu dịch tự do song phương và đa phương (FTA).

Chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Tuy nhiên, để đáp ứng được các yêu cầu mới xuất phát từ thực tiễn phát triển của đất nước cũng như để tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế, cần thiết phải rà soát để ban hành nghị định mới để thay thế cho 5 nghị định: Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, Nghị định số 101/2021/NĐ-CP và Nghị định số 51/2022/NĐ-CP.

Việc ban hành nghị định này để đảm bảo đạt được nhiều mục tiêu, như: đảm bảo phù hợp với Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2022 đã được các nước ASEAN thông qua; góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa biểu thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan hải quan; sửa đổi, bổ sung một số nội dung để khắc phục một số bất cập phát sinh trong thực tế trong giai đoạn vừa qua.

Chính sách tài khóa hỗ trợ và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sẽ có tác dụng lớn đối với nền kinh tế

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Viet Nam đánh giá cao các quyết định giảm thuế của Bộ Tài chính. Theo ông, giảm thuế đồng nghĩa với giảm thu ngân sách, vô hình trung gây áp lực tới thực hiện các nhiệm vụ cân đối thu - chi của Bộ Tài chính, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, điều đó hết sức cần thiết đối với “sức khỏe” của doanh nghiệp. Dịch bệnh Covid-19 đã làm các doanh nghiệp yếu đi nhiều, do đó những chính sách tài khóa hỗ trợ và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sẽ có tác dụng lớn đối với nền kinh tế mà trực tiếp là các doanh nghiệp được hưởng lợi.

Trên thực tế, kể từ khi ban hành Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, định kỳ Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, phối hợp với các bộ, ngành kịp thời trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN, mức thuế suất thuế xuất khẩu của một số mặt hàng cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Bộ Tài chính tiếp tục nhận được một số kiến nghị của các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức quốc tế đề nghị điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu của một số mặt hàng. Theo đó, cần rà soát để sửa đổi, bổ sung phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh giá cả một số mặt hàng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đang diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng.

Đơn cử như đối với mặt hàng xăng dầu, gần đây, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của một số cơ quan đề nghị giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng để đa dạng hóa nguồn cung trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động. Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, đã giảm thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống 10%, góp phần giảm giá xăng trong bối cảnh giá xăng liên tục tăng.

Tuy nhiên, ngoài mặt hàng xăng động cơ không pha chì, nhóm 27.10 còn có các chế phẩm thay thế cho xăng, là sản phẩm chế biến từ dầu mỏ sử dụng như xăng, nhưng có chỉ số octane khác xăng động cơ được sử dụng như nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, hoặc các ngành công nghiệp như pha sơn hay pha xăng, đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 20%. Thuế suất FTA của các mặt hàng này theo các Hiệp định FTA (ATIGA, VKFTA...) hiện nay cũng cơ bản là từ 10% trở xuống (5%, 8%, 10%). Do đó, tại dự thảo nghị định này, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng chế phẩm xăng này bằng với mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN mặt hàng xăng không pha chì là 10%.

Các phương án nêu trên của Bộ Tài chính cơ bản nhận được sự nhất trí của các bộ, ngành, địa phương, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Giảm thu ngân sách trong mức độ “chịu đựng được”

Những đề xuất của Bộ Tài chính, đều nhận được sự nhất trí của các bộ, ngành, hiệp hội hoặc không có ý kiến khác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng chế phẩm xăng là cần thiết và đề nghị bổ sung đánh giá tác động của việc điểu chỉnh này đối với việc đàm phán đối với các Hiệp định FTA mới theo nguyên tắc có đi có lại.

Theo Bộ Tài chính, thực hiện theo phương án này có thể làm giảm số thu ngân sách nhà nước, nhưng mức giảm cũng thấp (khoảng 4,6 tỷ đồng) do hiện nay, các mặt hàng trên chủ yếu nhập khẩu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc (thực hiện theo thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại các FTA với Hàn Quốc và Hiệp định ATIGA).

Đồng thời, việc giảm thuế MFN này cơ bản đảm bảo dư địa đàm phán với các FTA mới trong tương lai do vẫn duy trì mức chênh lệch giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA. Ngoài ra, tác động tích cực của giải pháp này là đảm bảo phù hợp với nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm giá đầu vào trong bối cảnh giá cả của các mặt hàng này thời gian qua liên tục tăng và đang ở mức cao (phụ thuộc vào diễn biến chung của giá xăng dầu trên thị trường).

Việc giảm thuế góp phần khơi thông các nguồn lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục đà tăng trưởng; đồng thời cũng góp phần hạ giá thành nhiều mặt hàng nhất là hàng hóa là đầu vào của nền kinh tế, ngăn lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, về lâu dài, cần cân nhắc hạn chế việc lồng ghép các chính sách xã hội vào các chính sách thuế, tức là sẽ phải hạn chế tối đa miễn giảm thuế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.